Xã hội

Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội sẽ cấm xe máy trước 2030 nếu đủ điều kiện

11/05/2019, 16:34

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp và cho biết nếu điều kiện tốt lên, thành phố sẽ cấm xe máy trước 2030.

img
Buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung với công nhân, lao động Thủ đô

Sáng 11/5, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 công nhân lao động, doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nội Bài.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trước buổi đối thoại, liên đoàn đã nhận được 639 ý kiến kiến nghị gửi về từ công nhân lao động và cán bộ Công đoàn các đơn vị cơ sở với 6 nhóm nội dung chính; nhiều nhất vẫn liên quan đến đời sống, việc làm, công nhân người lao động…

Tại buổi đối thoại trực tiếp sáng 11/5, đã có hơn 20 lượt ý kiến của đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, công nhân lao động kiến nghị tới Chủ tịch UBND thành phố và các ban ngành chức năng của thành phố. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống việc làm, thu nhập của người lao động, vấn đề an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp…

Tiếp thu và chia sẻ với những nội dung của 22 công nhân và đại diện công đoàn các doanh nghiệp kiến nghị, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết quyết liệt trong thời gian tới, nhất là một số vấn đề giải quyết chưa tốt hoặc chưa giải quyết được.

Cụ thể, về vấn đề nhà ở, thành phố đang chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và người lao động làm việc trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Hiện thành phố đã xây dựng được 4,2 triệu m2 nhà ở xã hội và đến năm 2020 sẽ hoàn thành 6,2 triệu m2 nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trên địa bàn.

img
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc đối thoại

Chia sẻ với các công nhân về việc tăng lương không kịp so với tăng giá điện và xăng dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn người lao động, ông Chung cho biết, việc tăng giá điện đã được Bộ Công thương giải thích và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ. Còn việc tăng giá xăng dầu là do ảnh hưởng chung của nguồn cung của thế giới như Venezuela, Syria… “Giá xăng dầu ở Việt Nam thực chất vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực”, ông Chung nói.

Nói thêm về vấn đề sử dụng phương tiện cá nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, trong phạm vi từ 1-1,5 km, người dân nên tăng cường đi bộ. Ông Chung cũng đề nghị người dân nên sử dụng xe đạp cho thân thiện với môi trường.

Khi ông Chung đề cập đến vấn đề trên, hàng trăm công nhân dưới hội trường ồ lên. Chủ tịch Hà Nội giải thích thông tin của mình đưa ra "chỉ mang tính khuyến khích người dân".

Đề cập đến đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua từ năm 2017, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói: “Hà Nội sẽ cương quyết thực hiện đề án chống ùn tắc giao thông. Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, thành phố sẽ hạn chế xe máy vào hạn cuối của đề án là vào năm 2030”, ông Chung khẳng định.

Trước đó, tháng 7/2017, HĐND TP.Hà Nội thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030".

Thời điểm thông qua đề án trên, TP.Hà Nội dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn thành phố sẽ có khoảng 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe máy. Đến năm 2030 thành phố có hơn 1,9 triệu ô tô và 7,5 triệu xe máy.

Đề án nêu rõ sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.