Khoảng 8h40 sáng nay (20/6), TAND Cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét xử vụ án sai phạm mua chế phẩm Redoxy-3C, do có đơn kêu oan của ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo ghi nhận, ông Nguyễn Đức Chung được đưa đến bằng một xe riêng, vào cửa sau. Hai bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng được đưa đến trên hai xe đặc chủng. Trước đó, bị cáo Võ Tiến Hùng rút đơn kháng cáo, song vẫn được triệu tập đến phiên phúc thẩm.
Được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) có đơn xin vắng mặt.
Dẫn giải ông Nguyễn Đức Chung tới phiên tòa
Tại tòa, các luật sư đề nghị triệu tập hai nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Thế Hùng, các điều tra viên.
Các luật sư cũng đề nghị HĐXX tiến hành các thủ tục chung theo quy định của pháp luật để triệu tập đại diện Công ty Watch Water (Đức) và ông Deepak Chopra (Tổng giám đốc Công ty Watch Water) đến tòa với tư cách nhân chứng.
Sau khi hội ý, HĐXX cấp phúc thẩm cho hay, đề nghị triệu tập người liên quan, trong đó có hai nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là không cần thiết vì quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lấy nhiều lời khai của những người này. Quá trình giải quyết vụ án, nếu thấy liên quan sẽ cho triệu tập sau.
Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa phúc thẩm.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 20 đến 22-6). HĐXX vụ án gồm 3 người, do thẩm phán Nguyễn Văn Sơn - chánh Tòa kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội - làm chủ tọa phiên tòa.
Trong đơn kháng cáo, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không đúng nên đã có đơn kháng cáo kêu oan.
Trước khi phiên tòa phúc thẩm mở, từ trại giam, ông Chung đã gửi bản giải trình hơn 100 trang, đưa ra nhiều luận điểm để tiếp tục kêu oan.
Trong bản giải trình, ông Chung cho rằng tòa cấp sơ thẩm đã "ra quyết định tuyên án oan" đối với ông.
Ông Chung đưa ra nhiều căn cứ cho rằng Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện việc mua chế phẩm Redoxy 3C để làm sạch sông hồ trên địa bàn thủ đô đúng quy định pháp luật, không gây thiệt hại ngân sách.
Bên cạnh đó, trong bản giải trình, ông Chung tiếp tục khẳng định không có văn bản, tài liệu nào thể hiện việc ông chỉ đạo cấp dưới phải mua chế phẩm thông qua "công ty gia đình"...
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Trường Giang, giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, kháng cáo cho rằng tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là quá nặng. Do đó, bị cáo Giang cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, chiều 13/12/2021, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, tổng hợp với bản án bị cáo đã lĩnh tổng hình phạt 13 năm tù. Ngoài ra, tòa buộc bị cáo Chung khắc phục hậu quả với số tiền 25 tỉ đồng, ghi nhận bị cáo đã nộp 10 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 5/2016, bị cáo Chung với vai trò người đứng đầu chính quyền Hà Nội, đã chỉ đạo nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước các hồ. Sau đó, bị cáo Chung tạo điều kiện để Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic) đi cùng đoàn công tác của UBND thành phố sang Đức tham quan, dự triển lãm xử lý ô nhiễm môi trường. Mục đích để Giang tiếp cận, tham gia vào quá trình mua bán hóa chất Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước.
Được sự hậu thuẫn, của bị cáo Chung, Công ty Arktic (công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung) đã độc quyền nhập chế phẩm. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo không bằng văn bản của bị cáo Chung, bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) đã ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng mua hóa chất với Arktic. Hành vi của 3 bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận