Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định số 260 ngày 2/10/2009, trong đó xác định rõ những căn cứ và quy trình để xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) đánh giá, Quy định 41 thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, tạo bước đột phá, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với người đứng đầu vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Hà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)
Theo ông, vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Quy định 41 trong thời điểm hiện nay và việc này có ý nghĩa thế nào đối với công tác cán bộ?
Đây không phải lần đầu tiên Đảng có quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ trong hệ thống chính trị. Trước khi có Quy định 41, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 260 năm 2009 về “việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”.
Tuy nhiên, trải qua 12 năm thực hiện Quy định 260 thì có nhiều điểm trong Quy định này không còn phù hợp thực tiễn.
Thứ hai, trong hai nhiệm kỳ Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng tập trung rất nhiều vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có đổi mới công tác cán bộ. Quy định 260 chưa cập nhật được những vấn đề này cho nên giờ cần phải cập nhật, bổ sung những quan điểm, nội dung mới.
Quy định 41 là một trong nhiều quy định của Trung ương về công tác cán bộ.
Tất cả là để tạo sự đồng bộ, tạo sự liên thông nhằm tăng cường, đổi mới công tác cán bộ. Mục tiêu là để chọn đúng người, bố trí đúng việc, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Có thể nói, Quy định 41 như một “lưới lọc” trong công tác cán bộ.
Bởi với 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xem xét từ chức quy định rõ ràng như trong Quy định 41 sẽ giúp chính cán bộ đảng viên tự soi để quyết định việc từ chức cho mình và cơ quan kiểm tra làm căn cứ khi thực hiện miễn nhiệm cán bộ.
Ông Nguyễn Đức Hà
Thứ ba, Quy định 260 trước đây có 3 cấp độ: Một là cho thôi chức, hai là miễn nhiệm, ba là từ chức. Qua tổng kết hơn 10 năm cho thấy, việc cho thôi chức chủ yếu là khi cán bộ đang giữ chức vụ này được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt sang chức vụ khác. Hiểu nôm na là thôi chức cũ để nhận chức mới.
Cho nên lần này, Bộ Chính trị quyết định “không bàn” đến chuyện thôi chức nữa, mà chỉ tập trung vào miễn nhiệm và từ chức.
Tôi cho rằng, Quy định 41 sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đại hội XIII là đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ để chúng ta thực hiện trong thời gian tới.
Theo Quy định 41, người đứng đầu không chỉ bị xem xét miễn nhiệm, từ chức khi trực tiếp tham nhũng, tiêu cực, mà còn bị xem xét miễn nhiệm, từ chức khi cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Nội dung này mang tính đột phá ra sao so với các quy định trước đây?
Chúng ta hiện đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là người đứng đầu và cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ.
Chính vì thế trong quy định miễn nhiệm, từ chức mà Bộ Chính trị mới ban hành cũng xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu nếu để trong cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì hiển nhiên bị xem xét liên đới trách nhiệm.
Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, được giao nhiều quyền lực. Tuy nhiên, trao quyền lực phải đi đôi với giám sát trách nhiệm.
Ví dụ chúng ta đang thí điểm giao cho người đứng đầu có thể bổ nhiệm, miễn cán bộ cấp dưới mình quản lý. Như vậy người bổ nhiệm phải có trách nhiệm khi người được bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất đạo đức.
Đây là một trong những quan điểm của Đảng, phát huy dân chủ nhưng phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, tăng cường phân cấp nhưng đi đôi với kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm minh những sai phạm.
Văn hóa từ chức được quy định từ lâu nhưng thật sự đến nay chưa thành hình. Với Quy định 41 lần này, ông có cho rằng việc từ chức sẽ dần trở thành một điều hết sức bình thường?
Trong công tác cán bộ, Đảng đã có quan điểm, chủ trương là “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”. Nhưng đôi khi trong đội ngũ cán bộ không phải ai cũng nhận thực được vấn đề này.
Cho nên, một số cán bộ cho rằng thôi tham gia cấp ủy, thôi đảm nhiệm chức danh lãnh đạo thì cảm thấy có cái gì đó nặng nề.
Chính vì vậy, bây giờ chúng ta phải tăng cường, khuyến khích việc từ chức. Nếu anh thấy không đủ năng lực, uy tín thì cũng nên xin từ chức để người khác có đủ năng lực hơn họ làm thay anh.
Vì vậy, chúng ta phải thống nhất nhận thức cho cán bộ là điều này hết sức bình thường.
Ở các nước tiên tiến, việc từ chức là điều thường xuyên xảy ra. Thậm chí là một nhân viên mắc sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng thì ông bộ trưởng xin từ chức là chuyện không có gì là lạ.
Theo ông, Quy định 41 phải chăng sẽ là một áp lực để cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tự soi xét và sẽ không còn làm mọi cách để “giữ ghế” khi thấy mình không còn đủ uy tín, năng lực?
Quy định 41 gióng lên hồi chuông để nếu cán bộ thấy bản thân mình hạn chế năng lực, giảm sút về uy tín thì nên từ chức. Nếu anh không từ chức mà phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền cũng miễn nhiệm chức vụ của anh.
Tuy nhiên, nếu khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo đến mức phải miễn nhiệm mà cán bộ đó làm đơn xin từ chức thì cấp có thẩm quyền cũng không đồng ý. Bởi, vi phạm đến mức miễn nhiệm thì phải thực hiện miễn nhiệm.
Trước Quy định 41, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 14 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Làm thế nào để cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám từ chức chứ không sợ trách nhiệm và không dám từ chức khi không còn đủ uy tín, năng lực?
Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ đảng viên đang xuất hiện hiện tượng sợ trách nhiệm, thấy khó thì “từ từ đã”… Điều này làm mất thời cơ, chậm trễ công việc.
Vì vậy, Đảng mới khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
Khi người dám làm, dám đương đầu với thử thách mà vì lợi ích chung thì giả sử những sáng kiến qua thực tế không đạt được kết quả như mong muốn thì cần phải xem xét giảm hoặc miễn trách nhiệm. Điều này để khắc phục sự trì trệ, sợ trách nhiệm, ngại khó khăn.
Để thực hiện quy định 41 có hiệu quả, căn cơ, theo tôi, cần có các giải pháp khắc phục “căn bệnh sợ trách nhiệm” đã và đang trực tiếp và gián tiếp gây ra những hậu quả lớn ở hầu như mọi lĩnh vực.
Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám từ chức… đều là những người biết trọng liêm sỉ. Và tôi tin rằng, với những quy định ngày càng rõ ràng, chặt chẽ và phù hợp hơn, việc cán bộ xin từ chức trong thời gian tới không có gì là điều xa xỉ.
Cảm ơn ông!
TS. Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội):
Đánh giá cán bộ không thể dựa vào yêu hay ghét
Mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng công tác đánh giá cán bộ thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc đánh giá còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ. Chưa thực sự lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng trong đánh giá.
Điều này phần nào thể hiện trong thời gian gần đây, một bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành vẫn bị truy tố, cách chức, khai trừ khỏi Đảng do những sai phạm cũ.
Không ít người trước khi bị truy tố đều được nhận bằng khen, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này cho thấy, chúng ta cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác cán bộ, trong đó có khâu đánh giá cán bộ.
Quy định 41 lần này đã quy định rất rõ những căn cứ và quy trình để xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Vì thế, công tác đánh giá cán bộ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phương thức đánh giá cán bộ cần được bổ sung những yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành, tỷ lệ xử lý thỏa đáng tình huống và những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc.
Hình thức đánh giá phải được lượng hóa bằng thang điểm để thuận lợi trong đánh giá, phân loại, bảo đảm đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên cán bộ làm việc có chất lượng, hiệu quả.
Một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc đánh giá năng lực cán bộ là người đứng đầu phải khách quan trong việc đánh giá.
Không phải yêu người này mà đánh giá tốt, ghét người kia mà đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu phải có kế hoạch và giao việc cụ thể cho cấp dưới, nếu không hoàn thành thì sẽ có căn cứ để đánh giá. Từ đó có hình thức xử lý phù hợp nếu cán bộ đó không không hoàn thành công việc trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, cần để người dân tham gia vào quá trình đánh giá cán bộ. Bởi suy cho cùng thì việc làm của cán bộ cũng là để phục vụ nhân dân.
Phùng Đô (ghi)
6 căn cứ xem xét miễn nhiệm
- Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.
- Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.
- Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
4 căn cứ xem xét từ chức
- Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
- Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
3 căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu
- Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
- Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
- Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức
Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.
(Trích Quy định 41 của Bộ Chính trị)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận