Xã hội

Ông Nguyễn Đức Kiên lý giải dự án BT thường mang "tiếng xấu"

25/05/2018, 14:50

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, xã hội thường không ghi nhận đóng góp của DN trong dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng).

du-an-BT-mang-tieng-xau

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, xã hội thường không ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp trong những dự án BT

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV ngày 25/5, lý giải vì sao các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) thường mang "tiếng xấu", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận định: “Chúng ta thường hay nhận xét các dự án BT ở phía nhà nước bỏ nguồn lực mà không ghi nhận, coi đó là đóng góp của doanh nghiệp làm nâng cao giá trị đất sau khi dự án được hình thành”.

Ngoài những trường hợp cố ý làm sai, "lợi ích nhóm", ông Kiên cho rằng người dân hãy có cái nhìn công bằng với các dự án BT. "Hãy nhìn đất khi còn đang là cánh đồng với khi đã có cơ sở hạ tầng rồi. Giá đất lên là nhờ có hạ tầng. Chỉ nhìn giá đất cao mà không tính tới công sức, chi phí làm đường là không được”, ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, nếu so với hiện tượng hàng loạt địa phương đều xin nới trần nợ công thì việc thực hiện các dự án xã hội hóa sẽ tốt hơn nhiều. “Một trong những nguyên tắc cơ bản của dự án BT đó là đôi bên cùng có lợi, Nhà nước có thể triển khai được dự án và phục vụ người dân còn doanh nghiệp bỏ tiền ra để mong thu được lợi nhuận về. Theo đó, lợi nhuận từ làm dự án phải đảm bảo cao hơn lợi nhuận gửi tiết kiệm, nếu không họ để tiền gửi ngân hàng sẽ an toàn hơn chứ?”’, ông Kiên phân tích.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ông Kiên cho rằng cần xem lại quy trình triển khai dự án BT. Theo đó, trước tiên Nhà nước cần giải phóng đất sạch, định giá theo thị trường cộng thêm tiền gửi lãi suất, vốn, chi phí quản lý để quy ra giá sàn rồi từ đó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đấu giá.

“Trước đây các dự án BT của chúng ta là từ giấy ra đến công trình, nhưng nay phải là từ đất ra công trình”, ông Kiên nói.

Mới đây, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 trình Quốc hội cũng chỉ rõ hàng loạt bất cập từ việc giao đất cho các dự án BT.

Cụ thể, việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách; quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá; thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn GTGT do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế GTGT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách.

Trước những bất cập trên, trong năm 2017 Hà Nội và TP.HCM và một vìa địa phương khác dã tạm dừng triển khai các dự án BT mới. Tuy nhiên trong tháng 4 vừa qua, Hà Nội và TP.HCM lại đề nghị tiếp tục triển khai các dự án BT trên địa bàn của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.