Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa qua |
“Rằng trăm năm cũng từ đây”
Bước vào hội trường, ông Obama nói “Xin chào, xin chào Việt Nam” bằng tiếng Việt và liên tục nói “Cảm ơn”; “Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của người dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi, nhiều người đã vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi thực sự cảm kích”, Tổng thống Mỹ bày tỏ.
Đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong quá trình phát triển, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: Trong hai thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thế giới đã chứng kiến những thành công đó. Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến Việt Nam và Việt Nam đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình, trở thành nền kinh tế phát triển năng động. Việt Nam đã phóng vệ tinh vào vũ trụ. Và một thế hệ người Việt Nam mới đã tự khởi nghiệp sản xuất kinh doanh. Người dân Việt Nam cũng đã có tiếng nói mang lại sự tiến bộ và xóa đói giảm nghèo. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đã phát triển, tỉ lệ nghèo đói, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em đã giảm nhanh chóng. Tỉ lệ tiếp cận nước sạch, điện đã tăng lên, tỉ lệ trẻ em đến trường và biết chữ rất cao. Đây là những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong một thời gian ngắn.
Ông Obama nhắc đến chuyện quá khứ, nhưng là một cách liên hệ rất khéo léo để mở ra một tương lai tốt đẹp - đúng như mục đích chuyến đi của ông tới Việt Nam lần này: “Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi là (Tổng thống) đầu tiên - cũng như các bạn - trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi đến đây, tôi ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng chúng ta hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để có thể thúc đẩy lẫn nhau. Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam…”.
Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, ông Obama trích dẫn bài “thơ thần” của Lý Thường Kiệt - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận ở sách trời”; Trích dẫn tư tưởng Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam năm 1945, cũng là Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Đồng thời, cũng nhắc đến những người con làm rạng danh nước Việt: Bà Trưng, Bà Triệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS. Ngô Bảo Châu, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Khép lại bài phát biểu, ông Obama trích dẫn câu Kiều của Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi” để nói về sự tin cậy trong tương lai hai nước sau khi các rào cản cuối cùng đã được gỡ bỏ.
Xếp lại chuyện cũ hướng tới tương lai
Về hợp tác giữa hai nước trong khắc phục hậu quả chiến tranh, Tổng thống Barack Obama chia sẻ: “Quan hệ giữa hai nước đã thay đổi. Cuộc chiến tranh đã ngăn chúng ta thành hai bên, bây giờ chúng ta đã tìm cách hàn gắn với nhau, tìm kiếm những người mất tích và đưa họ về nhà. Chúng ta đã gỡ bỏ những bãi mìn còn chưa nổ. Trẻ em không thể nào bị mất chân vì những bãi mìn này, trẻ em khuyết tật, trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Chúng ta tự hào về những công việc đã làm ở Sân bay Đà Nẵng (phối hợp xử lí bom mìn, chất dioxin) và chúng tôi tiếp tục khắc phục ở Sân bay Biên Hòa”.
"Nhìn vào lịch sử với những thách thức mà chúng ta đã vượt qua, hôm nay tôi đứng đây trước các bạn, lạc quan về tương lai của quan hệ hai nước. Niềm tin của tôi đã có nền tảng từ tình hữu nghị của chúng ta, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong bài hát “Nối vòng tay lớn”... Những thế hệ người trẻ ở Việt Nam đã sẵn sàng tạo ra những dấu ấn cho thế giới. Tài năng của các bạn, mong muốn của các bạn là những điều Việt Nam cần để phát triển. Tương lai nằm trong tay các bạn. Đây là khoảnh khắc của các bạn để mong muốn đóng góp cho thế giới. Hoa Kỳ luôn luôn là một đối tác, một người bạn của các bạn”. Tổng thống Barack Obama |
Tổng thống nêu rõ: Nhân dân hai nước trở nên gần gũi nhau hơn, các hoạt động thương mại ngày càng tăng lên, các sinh viên, học giả của hai nước cùng nghiên cứu với nhau. Nước Mỹ đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở châu Á. Rất nhiều khách du lịch Mỹ đã đến thăm Việt Nam, đến thăm 36 phố, phường cổ của Hà Nội, đến Hội An, Cố đô Huế. Người Việt và người Mỹ đều có thể nói và thuộc lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người”.
Tổng thống Barack Obama mong muốn tiếp tục sự tiến bộ của quan hệ hai nước và với quan hệ “Đối tác toàn diện” hai nước sẽ ngày càng gần gũi hơn, hợp tác chặt chẽ . “Trong chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc hơn nữa cho quan hệ nhiều thập kỷ tới đây”, Tổng thống nhấn mạnh.
Tổng thống Barack Obama bày tỏ: “Chúng tôi muốn nói một điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng được trước đây, tức là ngày hôm nay hai nước chúng ta đã trở thành bạn bè, trở thành đối tác với nhau. Tôi tin tưởng rằng từ những kinh nghiệm, những bài học của chúng ta trong chiến tranh sẽ là bài học cho cả thế giới.
Tổng thống Barack Obama khẳng định: Một điều có tính nguyên tắc - Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, không có một quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Chính sự độc lập, chủ quyền của người dân Việt Nam do Việt Nam quyết định. Hoa Kỳ rất quan tâm đến Việt Nam, đến sự thành công của đất nước Việt Nam và ưu tiên cho mối quan hệ “Đối tác toàn diện” với Việt Nam.
Cận cảnh Tổng thống Obama tại Tân Sơn Nhất:
Tổng thống Barack Obama mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khai thác hết những tiềm năng của hai nước, đặc biệt thông qua TPP - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và thu hút đầu tư được nhiều hơn. Tổng thống Barack Obama cho biết: Trong chuyến thăm lần này, hai bên cũng đã nhất trí xây chắc lòng tin. Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ hàng hải, cứu trợ nhân đạo vùng thảm họa thiên tai... Hoa Kỳ đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này thể hiện rõ Hoa Kỳ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam.
Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: Tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền phải được tôn trọng và toàn vẹn lãnh thổ phải được đảm bảo. Các nước lớn không được phép bắt nạt các nước nhỏ hơn; Các tranh chấp cần được giải quyết trên nền tảng hòa bình và các cơ chế vùng như ASEAN cần tiếp tục được củng cố mạnh mẽ hơn.
Ông Obama nói chuyện với lãnh đạo doanh nghiệp trẻ TP.HCM Tiếp tục lịch trình trong chuyến thăm Việt Nam, chiều qua, ông Obama rời Hà Nội đến TP.HCM. Tại đây, ông Obama đi tham quan chùa Ngọc Hoàng trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân TP.HCM. Sau đó, Tổng thống Obama lên xe về Tòa nhà Không gian làm việc chung Dreamplex (Q1) và có buổi nói chuyện với giới doanh nghiệp trẻ. Trong một giờ giao lưu, trước hơn 100 doanh nhân, doanh nghiệp có mặt tại không gian khởi nghiệp Dreamplex, ông Obama đã trực tiếp giữ vai trò dẫn dắt cuộc trò chuyện với 3 doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam và cho biết rất ấn tượng về sức mạnh tăng trưởng và tinh thần doanh nhân ở TP.HCM. “Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trẻ mà tôi gặp gỡ muốn đóng góp cho cộng đồng chứ không chỉ kiếm tiền. Khởi nghiệp cũng là nhiên liệu cho sự thịnh vượng, nhưng nó cũng gian nan, đặc biệt đối với phụ nữ và những trung tâm khởi nghiệp như Dreamplex sẽ giúp cho nhiều ý tưởng sáng tạo và doanh nghiệp ra đời hơn nữa”, ông Obama nói và cho biết, thế giới đang để mắt đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Tháng tới tại hội nghị thượng đỉnh khởi nghiệp toàn cầu, ông sẽ chào đón 8 lãnh đạo doanh nghiệp từ Việt Nam đến Thung lũng Silicon Valley. Chia sẻ thêm với những doanh nhân trẻ, ông Obama cho rằng, việc làm lãnh đạo là rất thách thức và khuyên họ cần phải không ngừng học hỏi từ những thất bại, cũng nhiều như học từ thành công. “Làm doanh nhân có lẽ không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh. Các bạn hãy nghĩ tới việc giải quyết những vấn đề của xã hội nữa”, ông nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận