Hội nghị học tập, quán triệt triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị T.Ư 8 |
Ngày 23/11, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng theo hình thức trực tuyến tại 74 điểm cầu trên toàn quốc.
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính giới thiệu về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư và nhấn mạnh, tăng trường trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh lớn về mặt tinh thần, có sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ đảng viên và nhân dân. “Việc ban hành Quy định nêu gương là một cam kết chính trị của TƯ với chính mình và toàn đảng, toàn dân” – ông Chính nói.
Qua sơ kết việc thực hiện quy định 101 và 105, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết đã đạt kết quả quan trọng bước đầu nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm nêu gương của uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban bí thư và Uỷ viên Ban chấp hành T.Ư, vì thế, Ban Bí thư thấy cần báo cáo Bộ Chính trị ban hành quy chế nêu gương ở cấp cao hơn, tầm cao hơn.
Theo ông Chính, đây là vấn đề mới, khó, nhạy cảm, các cơ quan triển khai với tinh thần nghiêm túc cầu thị.
Giới thiệu nội dung của quy định, Trưởng ban Tổ chức TƯ cho biết, quy định nêu gương có 8 điểm xây, 8 điểm chống được phản ánh trên các mặt tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, tác phong, tự phê bình, phê bình… và chỉ ngắn gọn trong 4 điều.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng nhấn mạnh quan điểm “cán bộ đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, nêu gương”.
Song ông cũng nhắc thực tế một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Thậm chí có người phản bội lại lý tưởng của đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
“Chính vì vậy những yêu cầu về nêu gương về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thưm Ban chấp hành T.Ư phải được đề cao ngang tầm với vai trò, vị trí và trách nhiệm chính trị của các đồng chí. Phải có chính kiến, thái độ, lập trường tư tưởng rõ rang” – Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh.
Dẫn lời Bác Hồ đã dạy rằng cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì tránh, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng, vẫn còn một số lãnh đạo cấp cao của nhà nước có biểu hiện quan liêu, xa dân, có những chủ trương không sát thực tế, không đi vào lòng dân, thậm chí có những biểu hiện đi ngược lại với lợi ích chính đáng của người dân, gây bức xúc cho nhân dân.
Nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết nội bộ, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng, với vai trò người đứng đầu, các lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, củng cố nội bộ bởi “mất đoàn kết là mất hết”.
“Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo cấp cao đã thể hiện được vai trò đoàn kết, quy tụ được trí tuệ, sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tình trạng mất đoàn kết vẫn còn diễn ra tại các ban, bộ, ngành, địa phương. Cá biệt có những cán bộ lãnh đạo cấp cao chưa coi trọng và thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng dẫn đến quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, lợi ích cá nhân gây mất đoàn kết nghiêm trọng” – ông Chính nêu tình hình và cho biết đó là lý do vì sao quy định nêu gương nhấn mạnh việc này.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Chính, phải thực hiện nghiêm túc và phải đặt cái chung, gạt bỏ cái riêng, tâm huyết, tận tuỵ với công việc, không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực hoàn thành mọi công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình.
Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ông Chính nêu thực trạng hiện đang tập trung nhiều ở T.Ư nên cần phân cấp, phân quyền để huy động sức mạnh tổng hợp, sáng tạo, đổi mới cũng như sự chủ động của các cấp.
“Nhưng đi đôi với nó là phải kiểm soát quyền lực” – ông Chính lưu ý.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư nhận xét nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng đã chỉ đạo tích cực phân cấp phân quyền gắn với kiểm tra giám sát, mạnh dạn thực hiện một số mô hình mới ở địa phương, các chủ trương thí điểm ở T.Ư và đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn chậm, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, gây phiền hà cho dân, DN, tình trạng giấy phép con, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt đang phổ biến. TƯ yêu cầu lãnh đạo các cấp phải tiên phong gương mẫu CCHC, giảm phiền hà tối đa cho nhân dân, DN.
Chủ động xin từ chức khi không còn đủ uy tín
Ông Chính lưu ý từng cán bộ đảnh viên cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về đạo đức, lối sống; Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.
Đặc biệt, nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính |
Nhắc đến quy định với 8 việc cần phải chống, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết trước hết cần nghiêm khắc đối với bản thân, kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái đạo đức. Chống nữa là phải kiểm soát bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo như độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân...
Một điều khác là kiểm soát đối với gia đình, người thân, không để vợ chồng, bố mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vụ lợi, sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, không chăm lo, vun vén, đặt lợi ích của cá nhân, gia đình mình lên trên hết.
“Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội là nguồn gốc của những căn bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ đảng viên. Nếu không đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân có thể gây mất đoàn kết trong tập thể, và những hậu quả khôn lường. Khi người lãnh đạo cấp cao có một chút cục bộ, địa phương, chủ nghĩa sẽ ảnh hưởng đến tác động tiêu cực đến tập thể mà mình lãnh đạo” – ông Chính nói.
Thực tế, theo ông Chính, một bộ phận cán bộ đảng viên, cá biệt có cán bộ cấp cao còn biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác, trong công việc thì độc đoán chuyên quyền, áp đặt ý chí cá nhân, can thiệp không đúng chức trách, thẩm quyền. Không sâu sát cơ sở, chưa có sự cảm thông, chia sẻ với khó khăn, bức xúc của nhân dân, cán bộ đảng viên và có ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng.
Quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn
Nhắc đến tham nhũng, ông Chính nhấn mạnh việc cán bộ Đảng viên không được đưa, nhận hối lộ dưới mọi hình thức.
“Các nội dung này tập trung vào trách nhiệm nêu gương, lãnh đạo cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành. Cụ thể là chống tham nhũng, lãng phí, chống lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy tín để chống chạy chức chạy quyền” – Trưởng ban Tổ chức T.Ư quán triệt.
Ông cũng nêu thực tế cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay chưa hiệu quả, còn có lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực được giao vào mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
“Hiện Bộ chính trị đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Đây là một việc rất khó, thể chế lại chưa hoàn thiện nên các lãnh đạo trung ương cần tích cực triển khai thực hiện nghiêm việc xây dựng cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực, đồng thời góp phần chỉ đạo ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật kỷ cương” – ông Chính nhấn mạnh.
Theo ông, quyền lực phải kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc bởi trách nhiệm, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, ngăn chặn tận gốc sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận