Tại hội thảo “Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam” diễn ra hôm nay (8/5), ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, UBCKNN và CIEM đang xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi với mục tiêu xây dựng chính sách phải đa dạng hóa công cụ, giúp công ty huy động vốn, giúp nhà nước cân bằng giữa thuận lợi kinh doanh và an toàn xã hội.
Theo ông Hiếu, đã đến lúc và rất cần thiết phải đưa NVDR tạm gọi chứng chỉ không có quyền biểu quyết vào hệ thống pháp luật tại Việt Nam. Tại Mỹ đã triển khai sản phẩm này đầu tiên năm 1920, tức cách đây đã 99 năm. Thái Lan cũng triển khai NVDR từ năm 2000. Trong khi, vấn đề này ở nước ta đã được đem ra trong những năm 2012 nhưng đáng tiếc chỉ dừng ở mức thảo luận cho đến ngày hôm nay.
“Nếu chúng ta du nhập chứng chỉ không có quyền biểu quyết vào Việt Nam, câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là: Tổ chức phát hành là ai? Đó là một công ty do UBCKNN hay Sở GDCK TPHCM lập ra?”, ông Hiếu nêu vấn đề.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Quản trị Sở GDCK TP HCM cho biết, hiện nay việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với các doanh nghiệp trên sàn còn nhiều khó khăn, liên quan đến việc xác định ngành nghề kinh doanh, điều kiện thủ tục thực hiện, tính pháp lý… Cụ thể, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại toàn sàn HOSE ở mức 24,6%, còn ở nhóm VN30 là 27,35%. Trong đó, 3 ngành có khối lượng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất là tiêu dùng thiết yếu, công nghệ thông tin và y tế.
Theo bà Hà, Sở GDCK TP.HCM đang nghiên cứu 2 sản phẩm mới được kỳ vọng là có thể tháo gỡ những hạn chế của dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam đó là cổ phiếu không có quyền biểu quyết và chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Ngoài ra, đại diện HOSE cũng đưa ra mô hình tại hai nước Malaysia và Nhật Bản đã triển khai sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết bằng việc nhà đầu tư nước ngoài được phép mua vượt trên giới hạn sở hữu tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Malaysia, nhà đầu tư nước ngoài không thể biết họ có quyền biểu quyết. Việc xác định quyền này sẽ được Trung tâm lưu ký, công ty xác định theo nguyên tắc mua/sở hữu trước - ưu tiên trước. Còn tại Nhật Bản, website của trung tâm lưu ký sẽ cập nhật danh sách nhà đầu tư nước ngoài có quyền biểu quyết và không có quyền biểu quyết. Các cổ phiếu vượt giới hạn sở hữu của khối ngoại đều được hưởng đầy đủ các quyền lợi tài chính.
Đối với Thái Lan, thị trường này đang triển khai chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết được phát hành bởi Tổ chức phát hành bởi Thai NVDR - công ty con của Sở GDCK Thái Lan và được tự động niêm yết trên Sở GDCK. Việc phát hành và thu hồi NVDR được thực hiện theo cơ chế tự động ngay khi lệnh mua/bán cổ phiếu cơ sở được giao dịch thành công. Mỗi NVDR sẽ tương đương với 1 cổ phiếu cơ sở.
Để triển khai sản phẩm này, Sở GDCK cần thành lập công ty con nhằm tách bạch tư cách pháp nhân riêng giữa Sở và tổ chức phát hành NVDR, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tuần thủ chặt chẽ các quy định.
Ngoài ra, về vấn đề biểu quyết của NVDR, bà Hà đề xuất giới hạn số lượng phát hành NVDR ở mức dưới 15% và trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ không được phép chuyển đổi NVDR sang cổ phiếu ngoại trừ trường hợp NVDR bị hủy niêm yết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận