Ngày 20/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà phúc thẩm để xét đơn kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê, cựu Đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Hà Nội.
Tại phiên toà này, HĐXX có triệu tập 3 bị cáo không có đơn kháng cáo nhưng những bị cáo này đều có đơn xin xét xử vắng mặt và giữ nguyên lời khai tại quá trình điều tra.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên xét xử
Tại phiên toà, bị cáo Phùng Anh Lê trình bày về việc thiếu 2 luật sư tham gia bào chữa nên mong HĐXX hoãn phiên toà để đảm bảo đủ quyền lợi và nghĩa vụ cho bị cáo.
Bị cáo Phùng Anh Lê cũng liên tục đề nghị HĐXX triệu tập 3 bị cáo còn lại trong vụ án đến toà để được đối chất trực tiếp, làm rõ những tình tiết một cách khách quan.
Trước những ý kiến trên, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp phúc thẩm cho rằng, các bị án đều có đơn xin xét xử vắng mặt và xin giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải triệu tập tới phiên tòa. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử vụ án theo đúng trình tự phúc thẩm.
Sau khi xem xét, HĐXX vẫn tiếp tục xét xử, bởi những người vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt. Việc luật sư và một số người liên quan vắng mặt thì không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Tại phiên toà, gia đình Nguyễn Hữu Tài và ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị can Phùng Anh Lê) giữ nguyên lời khai về việc đưa cho cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ 110 triệu đồng để Tài không bị xử lý.
Cụ thể, tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, ngụ tại quận Ba Đình, Hà Nội) đến Công an quận Tây Hồ đầu thú do đã cùng đồng phạm bắt, đánh con nợ của Tài. Ngay trong ngày, Tài bị ra lệnh tạm giữ 4 ngày để phục vụ điều tra.
Người thân của Tài sau đó đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị can Phùng Anh Lê) tìm người giúp đỡ hòa giải với bị hại để Tài không bị xử lý.
Sau khi ông Bảy đặt vấn đề, ông Lê đồng ý sẽ thả Tài với điều kiện phải đưa 110 triệu đồng. Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của ông Lê giao tiền và Tài được thả sau chưa đầy 1 ngày bị giam giữ.
Tuy nhiên, bị cáo Phùng Anh Lê khẳng định việc đưa tiền là không có. Ngoài ra, bị cáo cho biết, Phó Thủ trưởng được giao phụ trách nhà tạm giam, tạm giữ và người ký quyết định là người phải chịu trách nhiệm trong việc thả Tài.
"Trách nhiệm người đứng đầu thì bị cáo xin nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, về trách nhiệm hình sự thì đã quy định rõ trách nhiệm cho từng người"', bị cáo Lê trình bày.
Phiên toà tiếp tục diễn ra vào chiều nay.
Theo kết luận của bản án sơ thẩm, từ tháng 9/2016, Công an phường Yên Phụ thụ lý vụ việc anh T. tố giác bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích.
Quá trình điều tra, nghi phạm trong vụ việc là Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, trú Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã đến công an đầu thú và được đưa vào nhà tạm giữ.
Người nhà của Tài sau đó nhờ người quen tìm đến Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê nhờ giúp đỡ. Ông Lê đã yêu cầu gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.
Nhận tiền, với cương vị Trưởng Công an quận Tây Hồ, ông Lê chỉ đạo thuộc cấp tha cho Tài về nhà mà không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận