Ngày 26/2, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Mosow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tính đến năng lực tấn công hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đang tìm cách đánh bại Nga.
“Trong điều kiện ngày hôm nay, khi tất cả các quốc gia dẫn đầu trong khối NATO đều tuyên bố mục tiêu chính của họ là giáng đòn chiến lược để đánh bại chúng ta thì làm sao Nga có thể lờ đi năng lực hạt nhân của họ” - ông Putin nói và nhấn mạnh, phương Tây muốn xoá sổ nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Hiện chưa rõ Nga sẽ hành động như thế nào khi tính đến năng lực tấn công hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng nước này nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu toàn vẹn lãnh thổ bị đe doạ.
Theo Niên giám SIPRI 2022 do Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 13/6/2022, các quốc gia sở hữu hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Mỹ và Nga có 12.705 đầu đạn hạt nhân vào tháng 1-2022, ít hơn 375 đầu đạn hạt nhân so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm kho VKHN là do cả Mỹ và Nga đã giảm dần kho vũ khí hạt nhân (VKHN) khổng lồ được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh nhưng số lượng VKHN đang hoạt động vẫn "tương đối ổn định". Theo SIPRI, Nga là nước có kho VKHN lớn nhất với tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân (giảm 280 đầu đạn trong hơn một năm), trong đó 1.588 đầu đạn được triển khai cùng tên lửa và máy bay đang trong tình trạng sẵn sàng cao.
Trong khi đó, Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân (giảm 120 đầu đạn trong hơn một năm) nhưng có 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Tiếp theo là Trung Quốc (với 350 đầu đạn hạt nhân), Pháp (290), Vương quốc Anh (225), Pakistan (165), Ấn Độ (160) và Israel (90).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận