Tổng thống Nga Putin bỏ phiếu bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 18/9 |
Đến chiều qua, với 93% số phiếu đã được kiểm, Đảng Nước Nga Thống nhất (UR) cầm quyền giành được 54,27% số phiếu ủng hộ, bỏ xa tất cả những đảng còn lại trong cuộc đua vào Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa 7.
Chiến thắng nhờ uy tín cá nhân
Về thứ hai trong cuộc bầu cử là Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) với 13,46%, tiếp theo là Đảng Dân chủ - Tự do Nga (LDPR) được 13,25% và Đảng Nước Nga Công bằng (SR) được 6,17%. Không có đảng mới nào vượt qua được tỷ lệ 5% để có đại diện trong Duma Quốc gia.
Với kết quả này, Đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Putin chắc chắn giành được ít nhất 338 ghế trong Quốc hội gồm 450 thành viên. Ông Putin khẳng định: UR được người dân ủng hộ bất chấp tình hình kinh tế đất nước gặp khó khăn và việc đa số cử tri bỏ phiếu ủng hộ cho thấy, đảng cầm quyền chân thành và luôn nỗ lực vì nhân dân”. Việc Đảng UR chiếm đa số phiếu cho thấy mong muốn của người dân chính là sự ổn định.
Trên thực tế, vị thế của UR gắn liền với uy tín của ông Putin - người vẫn đang nhận được sự ủng hộ của hơn 80% người dân. Nhưng theo ông Alexei Mukhin, chuyên gia thuộc Trung tâm Thông tin chính trị Nga: “Nếu so sánh kết quả của UR hiện nay với những kết quả trước đó (cụ thể là năm 2007), chúng ta có thể nói rằng, họ đã thất bại. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay của thế giới và nước Nga, theo tôi, cái gọi là “thất bại” của UR này vẫn là điều mà không một đảng phái nào của Tây Âu dám mơ ước”.
Cuộc bầu cử lần này không chỉ là phép thử niềm tin đối với đảng cầm quyền mà còn là yếu tố quan trọng trong việc liệu Tổng thống Putin có tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 2018 (nhiệm kỳ Tổng thống Nga hiện nay là 6 năm) hay không.
Liệu ông Putin có tranh cử Tổng thống tiếp?
Trả lời Bloomberg đầu tháng 9, ông Putin nói: “Tôi có thể tham gia tranh cử hoặc không. Nếu như tôi không tham gia, một người lãnh đạo đất nước mới sẽ được chọn, một Tổng thống Nga mới mà người dân sẽ quyết định xem họ bỏ phiếu cho ai”. Ông cho rằng, dù ai lãnh đạo đất nước đều cần phải “đủ trẻ nhưng trưởng thành”.
Hiến pháp Nga không cho phép Tổng thống nắm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng không hạn chế số nhiệm kỳ tối đa. Sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2000 - 2008), ông Putin giữ chức vụ Thủ tướng từ 2008 - 2012 khi người đồng minh thân cận Dmitry Medvedev lên kế vị và trở lại nắm quyền Tổng thống vào năm 2012. Ngay sau đó, khi được báo chí nước ngoài hỏi về việc có tái tranh cử vào năm 2018 hay không, ông Putin nói rằng: “Đó là chuyện bình thường, nếu như mọi thứ diễn ra tốt đẹp và người dân muốn thế”. Tuy nhiên, ông Putin từng nói rằng, ông không muốn dành cả cuộc đời để làm Tổng thống.
Trong một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận Nga (VTsIOM) tiến hành, 74% người được hỏi cho biết, ủng hộ ông Putin tranh cử và sẵn sàng bỏ phiếu cho ông vào năm 2018; 15% không ủng hộ và 11% chưa quyết định. Nếu tranh cử và giành chiến thắng năm 2018, nhiệm kỳ của ông Putin sẽ kết thúc vào năm 2024, sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nga có thời gian phục vụ lâu nhất, sau nhà lãnh đạo Josef Stalin.
Hơn 15 năm cầm quyền, hiện, uy tín của ông Putin trong nước và trên trường quốc tế vẫn rất cao; và vai trò ngày càng lớn của Nga trong các vấn đề quốc tế, từ Ukraine tới Syria hay việc mới đây Nga thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông, đều ghi đậm dấu ấn của cá nhân ông Putin. Điều này khiến phương Tây có lý do để e ngại khi ông Putin quyết định tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận