Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh SCMP.
Lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao thừa nhận
Ngày 2/6, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã có bài phát biểu trong đó kêu gọi một Trung Quốc đang trong tình thế bị cô lập cần phải giao tiếp tốt hơn để cải thiện hình ảnh đất nước và chống lại những lời chỉ trích từ khắp nơi trên toàn cầu.
Theo SCMP, ông Tập Cận Bình đã đưa ra lời hiệu triệu này trong một cuộc họp với các quan chức hàng đầu trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhà lãnh đạo này cho rằng “các chuyên gia cấp cao” của Trung Quốc nên sử dụng các hội nghị, diễn đàn toàn cầu và các phương tiện truyền thông nước ngoài để lên tiếng về chủ trương này.
Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phải thiết lập và duy trì các mối liên lạc quốc tế tốt hơn để khắc phục hình ảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và giành chiến thắng trong cuộc chiến tự vệ bằng các tuyên bố với Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp chuyên sâu của Bộ Chính trị, cơ quan cấp cao nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức vào hôm thứ Hai (1/6) vừa qua ở Bắc Kinh, được đưa ra trong bối cảnh có một sự thù địch ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Washington cũng như việc xuất hiện nhận thức tiêu cực về Trung Quốc ở mức cao kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới - theo SCMP.
Phải kể tốt về Trung Quốc với thế giới
Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình kêu gọi các cán bộ, đảng viên và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát phải liên tục phát huy hoạt động tuyên truyền theo hướng “kể tốt về những câu chuyện của Trung Quốc” với thế giới và thể hiện đất nước dưới ánh sáng tích cực.
Nhưng, các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng lời kêu gọi mới nhất của ông Tập Cận Bình là sự thừa nhận hiếm hoi về vị thế bị cô lập của Bắc Kinh, vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi chính sách ngoại giao “Chiến Lang” và các chiến dịch tuyên truyền và ảnh hưởng không hiệu quả ở nước ngoài.
Nó cũng gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách thay đổi những câu chuyện và vấn đề bất lợi trong mối quan hệ xung đột về hệ tư tưởng và địa chính trị với các nền dân chủ phương Tây.
Muốn trỗi dậy suôn sẻ
Ông Triệu Lập Kiên - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một trong những nhân vật được ví như "Chiến Lang" trong những năm gần đây của Trung Quốc - Ảnh Reuters.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc sáng 2/6 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải “tạo ra một môi trường dư luận bên ngoài thuận lợi” và tăng cường truyền thông “trong tình hình mới” để đảm bảo sự trỗi dậy của nước này được diễn ra suôn sẻ.
Ông Tập nói với Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc như sau: “Cần phải đẩy nhanh việc xây dựng chiến lược diễn ngôn Trung Quốc và hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc, cần sử dụng các lý thuyết của Trung Quốc để diễn giải thực tiễn của đất nước”.
Theo nhấn mạnh của ông Tập Cận Bình, “trọng tâm sẽ là cải thiện hình ảnh toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chống lại những lời chỉ trích đang xuất hiện ở khắp nơi về vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với sự phát triển của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liệt kê các mục tiêu chính của chiến lược này bao gồm xây dựng một đội ngũ chuyên gia có thể đáp ứng nhu cầu giao tiếp quốc tế của đất nước và áp dụng những cách thức mới để giao tiếp với các đối tượng khác nhau.
“Cần phải kết bạn, đoàn kết, thu phục đa số và không ngừng mở rộng tình hữu nghị khi có thể,” ông Tập nhấn mạnh.
Bắc Kinh đang đẩy lùi những gì mà họ coi là “thiên vị” về những tuyên truyền của phương Tây và tình cảm tiêu cực về Trung Quốc, từ trò chơi “đổ lỗi cho Covid-19” đến những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thành lập một liên minh chống lại Trung Quốc về các chính sách của họ ở Tân Cương và Hồng Kông cũng như những hành động tích cực của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Đài Loan và Biển Đông.
Gu Su, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, cho biết, khả năng giao tiếp kém và các nhà ngoại giao hiếu chiến đang kìm hãm nỗ lực của Trung Quốc trong việc sửa chữa hình ảnh của mình.
Ông Gu Su nói: “Nhận xét của ông Tập Cận Bình dường như có liên quan đến động thái của Washington sử dụng cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus Corona chủng mới để nhắm vào Trung Quốc, quốc gia đã đạt được động lực trong những tuần gần đây”.
Cuộc chiến của Bắc Kinh và Washington để kiểm soát các câu chuyện toàn cầu đã được xây dựng kể từ khi thương chiến nổ ra vào năm 2018. Những lời hùng biện từ hai phía đã không ngừng trở nên gay gắt hơn về đại dịch Covid-19 và chiến lược ngoại giao vaccine do Trung Quốc và Hoa Kỳ phát động.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington muốn “dẫn đầu thế giới bằng các giá trị của Hoa Kỳ” trong việc gửi các lô vaccine tiêm chủng Covid-19 ra nước ngoài trong bối cảnh “có rất nhiều lời bàn tán về việc Nga và Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng đến thế giới bằng vaccine”.
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh Trung Quốc.
Cải tổ chính sách đối ngoại
Tuy nhiên, nhà phân tích độc lập Wu Qiang có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc khó có thể từ bỏ phong cách ngoại giao hiếu chiến của mình.
“Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập quốc tế tồi tệ nhất kể từ khi cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970, nhưng có vẻ như giới lãnh đạo vẫn chưa thể tìm ra bất kỳ giải pháp nào” - ông Wu Qiang nhận định.
Chuyên gia Wu nói thêm: “Ông Tập đã thừa nhận sự thất bại trong giao tiếp đối ngoại của Trung Quốc và sự cô lập của đất nước, có thể là do thiếu các chiến lược truyền thông thuyết phục và những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc”.
"Nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ thay đổi nào đối với cách tiếp cận ngoại giao quyết đoán ngoài một số điều chỉnh."
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012 và đặc biệt là khi quan hệ với Mỹ xấu đi, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều để khuyến khích các cơ quan truyền thông nhà nước của mình mở rộng ra nước ngoài.
Mạng lưới cơ sở hạ tầng truyền thông toàn cầu đó đã giúp thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc về Covid-19, Liên đoàn các nhà báo quốc tế cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.
“Chiến thuật của Bắc Kinh trong cuộc chiến tuyên truyền này là gia tăng nhưng ổn định. Ở đây đang nói đến việc Trung Quốc bố trí số lượng các nhà báo ở mỗi quốc gia. Trung Quốc tin rằng hệ thống truyền thông của họ đủ mạnh để chống chọi với những diễn biến”, báo cáo của Liên đoàn các nhà báo quốc tế cho hay.
Chỉ đánh bóng chiến lược truyền thông là chưa đủ
"Tuy nhiên, bằng chứng từ cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy bối cảnh tuyên truyền của Trung Quốc đang được vẽ lại trên toàn cầu, điều này được thể hiện qua từng câu chuyện.
Các chiến thuật này cũng sẽ là một phần của động lực mới nhất, chủ yếu được thúc đẩy bởi các quốc gia, bao gồm cả một số nước láng giềng, đang có xu hướng quay lưng lại với Trung Quốc về chính sách đối ngoại của nước này” - theo nhận định một chuyên gia truyền thông và truyền thông tại đại lục.
“Nhận xét của ông Tập có thể được xem như một khái quát chung của dư luận toàn cầu về Trung Quốc” - chuyên gia giấu tên nói với SCMP vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
“Dù là điều tốt khi các nhà lãnh đạo nhà nước (của Trung Quốc) nhận ra những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, nhưng thật là ngây thơ nếu mong đợi các phương tiện truyền thông (của Bắc Kinh) có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với cách nhìn nhận về Trung Quốc trên toàn thế giới” - nguồn tin giấu tên nhấn mạnh.
Nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh - ông Gu Su cũng lặp lại quan điểm nêu trên, nói rằng Trung Quốc cần phải cải tổ chính sách đối ngoại chứ chỉ “đánh bóng chiến lược truyền thông” sẽ là không đủ để Trung Quốc cải thiện quan hệ với các nước khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận