Chất lượng sống

Ông thợ sửa xe nghèo làm từ thiện bằng… xe đạp cũ

18/03/2018, 07:26

Mỗi khi dư giả chút đỉnh, ông lại đi lùng mua những chiếc xe đạp cũ về tân trang để đến mùa tựu trường...

16

Gương mặt in đậm dấu ấn thời gian, nhưng trong ông Giàu vẫn chất chứa sự nhiệt huyết và tấm lòng dành cho những người cùng cảnh

Đó là ông Trần Văn Giàu (55 tuổi, ngụ khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Hơn 20 năm là thợ sửa xe, 1/4 thời gian đó ông chuyên tâm làm từ thiện bằng những chiếc xe đạp cũ.

Những chiếc xe đạp mang nặng nghĩa tình

Tiệm sửa xe của ông Giàu nằm lọt thỏm giữa những tán cây ven đường. Căn nhà đơn sơ chẳng có gì đáng giá, ngoài vài món phụ tùng phổ biến của xe đạp, xe máy, các dụng cụ phục vụ việc sửa xe, cùng quán nước nhỏ của vợ. Nhưng đây lại chính là nơi ấp ủ cho những ước mơ được cắp sách đến trường của các em học trò nghèo.

Từ đôi bàn tay của ông, những chiếc xe cũ kỹ tưởng chừng như đã bỏ đi, được ông tân trang lại thành phương tiện giúp các cô, cậu học trò nghèo có phương tiện đến trường. Ông Giàu cho biết, để có những chiếc xe trao tặng, từ những chiếc xe cũ được mua về, ông chọn những chiếc khung sườn còn tốt, sau đó cạo bỏ lớp sơn cũ, rồi sơn mới. Tiếp đó, ông góp nhặt từng cái nan hoa, ghi đông, bàn đạp, dây xích, đến từng con ốc vít… Để có một chiếc xe đạp hoàn chỉnh và “ngon lành”, trung bình ông phải bỏ ra khoảng 700 nghìn đồng. Đó là số tiền không hề nhỏ với một ông thợ sửa xe nghèo, tuy nhiên suốt hơn 5 năm qua, ông vẫn bền bỉ mang hơn 70 chiếc xe đạp đến tay các em học sinh nghèo khó. Chỉ riêng năm 2017, ông Giàu đã trao tặng 13 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học và các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại trường THCS Nguyễn Trãi.

Sở dĩ ông kiên trì không ngừng nghỉ vì ông hiểu được nỗi khó khăn vất vả của các em khi hàng ngày phải đội nắng, đội mưa đến trường mà không có phương tiện đi lại. Dù không quá lớn lao, nhưng việc làm của ông đã phần nào san sẻ được nỗi khó khăn, vất vả của các em, để các em có thêm nghị lực đến trường.

“Trong 5 năm qua, anh Giàu đã đóng góp cho nhà trường rất nhiều. Ban Giám hiệu nhà trường, cũng như tập thể giáo viên đều cảm nhận được sự chân tình của anh và ghi nhận tấm lòng này. Anh làm không cần ghi công, ghi danh, không cần ai biết đến. Anh sửa xe cho các em mà không tính công. Có thể nói, đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, việc anh Giàu tặng xe đã góp phần tạo nên động lực cho các em ra sức học tập”, thày Trần Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (phường Thới An, quận Ô Môn) chia sẻ.

Là một trong những phụ huynh có con nhận xe từ ông Giàu, bà Trần Thu Vân (ngụ phường Thới An), bày tỏ: “Hoàn cảnh gia đình tui nghèo, thấy con đi học xa mà không có xe đi lại, thương con nhưng mà lực bất tòng tâm. Giờ được chú Giàu thương cho thằng nhỏ chiếc xe đi học, thiệt tui mừng và mang ơn chú lắm!”.

17

Là người thợ lành nghề, ông Giàu tìm mua những chiếc xe cũ kỹ rồi sửa sang đem tặng học sinh nghèo

Duyên nợ với học trò nghèo

Khả năng chỉ dừng lại ở khoảng 3-14 xe/năm học, nhưng trong đó là cả tấm chân tình của ông thợ nghèo. Ông Giàu kể, trước đây gia đình khó khăn, vợ chồng ông mới dành dụm chút ít mua được mảnh đất để cất nhà làm tiệm sửa xe. Vợ ông mỗi ngày đi bán xôi, thu nhập của cả hai vợ chồng không đáng là bao nhưng thi thoảng hễ rảnh là ông vẫn đi làm từ thiện. Có khi ông bỏ tiệm đi cả tuần để rong ruổi tìm thuốc nam mang về cho các phòng thuốc từ thiện.

Cho đến một ngày, nghe ông Lê Văn Thảnh (ngụ cùng địa phương), người bạn già trong xóm tâm sự, có 2 chị em của một gia đình nhưng chỉ có một chiếc xe đạp. Do giờ học khác nhau nên em này đi xe thì em còn lại phải đi bộ đến trường. Nghe vậy, ông Giàu liền đề nghị ông Thảnh mang xe của mình về cho hai chị em gia đình đó.

Ông Nguyễn Ngọc Nhất, Phó chủ tịch phường Thới An nhận xét: “Chúng tôi rất cảm ơn chú Giàu với những đóng góp của chú. Hoàn cảnh tuy không lấy dư giả, nhưng hành động của chú đã góp phần chung tay với địa phương hỗ trợ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hiện thực hóa ước mơ đến trường của các em. Đây chính là động lực giúp các em cố gắng hơn nữa trong việc học tập để sau này xây dựng quê hương, đóng góp cho xã hội”.

Và rồi từ đó, ông Giàu chợt nhận ra, một chiếc xe đạp cũ là cả ước mơ của những cô cậu học trò nghèo. Và hơn ai hết, ông cũng nghèo và cũng có con trai đang đi học. Từ thấu hiểu, đến đồng cảm nên ông Giàu và ông Thảnh rủ nhau mua xe đạp cũ về tân trang lại rồi tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh tương tự.

Ông Thảnh phụ trách tiền mua xe, ông Giàu kiêm việc sơn sửa, tân trang sao cho xe đẹp mà chắc chắn. Sau này ông Thảnh mất, không còn ai lo tiền mua xe nhưng ông Giàu vẫn quyết tâm tiếp tục công việc ý nghĩa này. Dù tiền sửa xe không có bao nhiêu, ông vẫn trích ra chút ít để dành. Không mua nổi xe mới, ông mua xe cũ, từ các tiệm bán xe cũ hoặc cơ sở thu mua ve chai. Đôi khi có những người họ biết việc ông làm nên dành lại những chiếc xe còn tốt và tặng lại cho ông.

Làm việc thiện là điều tốt, nhưng một người nghèo làm việc thiện lại càng quý. Không như những người khác, hành trình từ thiện của ông diễn ra trong thầm lặng. Có đôi khi Ban giám hiệu nhà trường mời ông đến để tuyên dương trước các em học sinh, phụ huynh, cùng thày cô, nhưng ông chỉ cười rồi từ chối. Ông chỉ từ tốn bảo: “Tôi sẽ làm cho tới khi nào không còn đủ sức nữa thì thôi”.

Tấm lòng của ông được duy trì bền bỉ trong suốt 5 năm qua phải kể đến sự ủng hộ rất lớn từ người vợ hiền. Kể về chồng, bà Lưu Kim Hiền (57 tuổi) nhớ lại: “Suốt hơn 20 năm qua, cái thời ổng chưa tặng xe cho học sinh, cách dăm ba tháng ổng đi biệt tích cả tuần để kiếm thuốc. Giờ chuyển qua công việc này, ổng ở nhà không đi nữa. Giúp người mà, quý lắm nên tôi ủng hộ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.