Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC |
Vừa qua, ông đã tuyên bố về kế hoạch sẽ nâng tổng sở hữu tại Tập đoàn FLC. Ông có thể cho biết về tình hình thực hiện kế hoạch của ông không?
Ông Trịnh Văn Quyết: Như mọi người đã biết, ngày 18/12/2017, tôi đã công bố hoàn thành việc mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC.
Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu mà tôi đang nắm giữ trực tiếp tại FLC là 135.187.150 cổ phiếu, chiếm 21,19% vốn điều lệ Tập đoàn FLC.
Ngoài ra, trước đó, tôi cũng đã công bố sẽ nâng tổng sở hữu FLC với khối lượng lớn hơn, có thể thông qua tổ chức khác. Và theo như công bố này, hiện nay, tôi đang thực hiện kế hoạch nâng tổng sở hữu FLC thông qua việc M&A một tổ chức khác.
Khi hoàn thành việc M&A này, tổng sở hữu FLC của tôi có thể đạt mức 170 triệu cổ phiếu, chiếm trên 27% vốn điều lệ của Tập đoàn.
Chúng tôi thấy vừa qua Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ AOS công bố kế hoạch mua vào 40 triệu cổ phiếu FLC. Ngay hôm nay, chính Công ty này tiết lộ đã thực hiện mua được 20 triệu cổ phiếu FLC. Ông có ý kiến gì về diễn biến này?
Ông Trịnh Văn Quyết: Tổ chức mà tôi đang tiến hành M&A chính là Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ AOS.
Sau khi AOS gửi văn bản công bố kế hoạch mua vào đến Tập đoàn, tôi đã lên kế hoạch M&A công ty này. Ban lãnh đạo hiện tại của AOS cũng đã xác định quan tâm đến FLC và mong muốn được đồng hành cùng FLC, phù hợp với ý chí của tôi.
Vậy kế hoạch M&A của ông đã được thực hiện đến đâu?
Ông Trịnh Văn Quyết: Công ty AOS có các cổ đông đều là cổ đông cá nhân nên việc mua lại cổ phần từ các cổ đông đối với tôi là khá đơn giản. Chúng tôi đã đạt và ký kết xong các văn bản thỏa thuận chuyển nhượng. Kế hoạch M&A đến 99% tổng vốn của Công ty AOS có thể sẽ hoàn thành trong hôm nay hoặc ngày mai.
Với mong muốn tiếp tục gia tăng sở hữu thêm tại FLC, sau khi M&A xong Công ty AOS, tôi sẽ cùng với Ban Lãnh đạo của AOS tiếp tục thực hiện kế hoạch mua vào 20 triệu cổ phiếu FLC như đã được định ra trước đó.
Hồi đầu năm nay, ông từng cho rằng ưu tiên đầu tư số một của cả năm nay nên là thị trường chứng khoán, và thứ hai là bất động sản. Cuối năm nhìn lại, ông có cho rằng mình đã có góc nhìn đúng đắn?
Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi tin rằng không chỉ riêng ý kiến cá nhân tôi, mà xu hướng thị trường cũng đã chứng minh đây là hai kênh đầu tư mang lại nhiều lợi ích nhất trong năm qua.
Đối với chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 được xem là một năm thành công. Chỉ số VN-Index tăng xấp xỉ 50%, mạnh nhất châu Á, đi kèm với đó là khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch vượt mong đợi.
Trong số đó, mã cổ phiếu ROS giữ xu hướng đi lên, lập đỉnh trong tháng 11, không chỉ mang lại lợi nhuận vượt trội cho các nhà đầu tư nói chung, mà cả các quỹ đầu tư chỉ số ngoại như V.N.M ETF, FTSE ETF, iShares MSCI Frontier 100 ETF...
Còn đối với thị trường bất động sản, năm 2017 cho thấy bất động sản vẫn giữ vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế, kéo các ngành bổ trợ khác như thép, xi măng, xây dựng, hạ tầng, logistic, du lịch… cùng đi lên.
Kiên định với chiến lược đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, trong năm qua, việc FLC khai trương thêm hạng mục khách sạn 5 sao mới tại quần thể FLC Sầm Sơn, phát triển giai đoạn tiếp theo hai dự án FLC Sầm Sơn và FLC Quy Nhơn, cùng địa bàn đầu tư được mở rộng tới những vùng đất mới như Quảng Bình, Hải Phòng, Nghệ An… là những kết quả đạt được khiến chúng tôi tự hào.
Đối với chúng tôi, thước đo về hiệu quả đầu tư và thành công của doanh nghiệp chính là sự đón nhận tích cực từ thị trường. Các sản phẩm bất động sản của FLC, đa dạng về cả loại hình và phân khúc, tất cả đều được đông đảo nhà đầu tư tín nhiệm và lựa chọn.
FLC cũng mở rộng thêm khá nhiều lĩnh vực mới trong năm 2017. Đâu là lý do cho những hướng phát triển này?
Ông Trịnh Văn Quyết: Nhiều người có thể cho rằng những lĩnh vực mới là táo bạo, còn với chúng tôi, thì đó đều là những chiến lược có cơ sở, đã được tính toán kĩ lưỡng.
Đối với lĩnh vực hàng không, kế hoạch thành lập Bamboo Airways xuất phát từ việc thường xuyên thiếu hụt chuyến bay đến các điểm đến du lịch mới nổi như Quy Nhơn, Sầm Sơn, có thể xem là điểm nghẽn cản trở sự phát triển hết tiềm năng của những vùng đất này.
Về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng lợi thế về mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại vốn có, lợi thế cán cân quy mô nhờ quỹ đất nông nghiệp 4.000 hecta, cùng kỹ thuật công nghệ cao từ mạng lưới công ty thành viên, chúng tôi tự tin đây sẽ là phân khúc có thể mang lại lợi nhuận lớn dưới sự đầu tư bài bản, có các đối tác nước ngoài uy tín đồng hành.
Không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, sau khi triển khai thành công, chúng tôi hy vọng mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là đối với cuộc sống của người đân.
Những hướng đi mới này, về địa hạt thì có thể mới mẻ, nhưng cùng chung tính chất bổ trợ đối với ngành kinh doanh cốt lõi của FLC, cũng như triết lý về gia tăng lợi ích cho xã hội - cộng đồng mà chúng tôi theo đuổi.
Cảm ơn ông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận