Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và người tiền nhiệm Obama |
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã đối mặt với những thách thức tương tự người tiền nhiệm Barack Obama trước cuộc chiến tranh Syria.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, dù ông Trump có một số động thái quân sự khác với ông Obama nhưng lại không tạo ra bất cứ thay đổi gì trong cuộc chiến tranh phức tạp này.
Chiến lược Syria mờ nhạt
Các chuyên gia bình luận trên báo The Atlantic cho rằng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump cũng không có một chiến lược gì cụ thể tại Syria khi tiến hành ít nhất 2 hoạt động quân sự quy mô chống lại chính quyền Tổng thống Assad.
Trong quá khứ, cựu Tổng thống Obama có những mục tiêu lớn tại Syria như việc muốn Tổng thống Bashar al-Assad ra đi, gia tăng sức ép để lực lượng Nga chấm dứt viện trợ quân sự và rút khỏi Syria.
Mỹ không có kế hoạch lâu dài, dứt khoát ở Syria? |
Ông cũng muốn thúc đẩy các giá trị mà Mỹ tuyên bố cần có ở Syria đó là “dân chủ, nhân quyền”. Tuy nhiên, các mục tiêu cựu tổng thống này đề ra đều thất bại.
Lý giải việc thất bại, các chuyên gia chỉ ra rằng, rõ ràng nhất là việc ông Assad, trong một động thái “thử” lập trường của Obama đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, bao gồm cả ở bệnh viện, trường học, khu dân cư tại Homs cuối năm 2012.
Nhưng ông Obama đã không làm gì dù trước đó vạch ra “ranh giới đỏ” và cho Nga cơ hội sắp xếp thỏa thuận nhằm giải trừ vũ khí hóa học khỏi Syria.
Ông Obama cũng không động gì đến Iran, nước đang càng ngày gia tăng ảnh hưởng lên Syria, vì quan ngại nếu có hành động thì Tehran sẽ không ký một hiệp ước về vũ khí hạt nhân.
Ngược lại, Tổng thống Trump không có những mục tiêu to lớn. Ngay từ khi vận động tranh cử, tỷ phú địa ốc này đã dựa trên một cơ sở đơn giản: Làm trái với tất cả những gì Obama đã làm.
Tổng thống Mỹ, dân thường Syria và ông Assad |
Thế nhưng, những gì nước Mỹ đã làm tại Syria vừa qua lại cho thấy có những điểm tương đồng quan trọng trong chiến lược của Obama và Trump tại Trung Đông. Cả hai đều sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ một cách hạn chế.
Theo cáo buộc của phương Tây, “ngay sau khi ông Trump nhậm chức, chính phủ Syria lại quyết định thử Mỹ bằng cách sử dụng vũ khí hóa học để tấn công dân thường vào tháng 4/2017”.
Ông Trump đã lập tức đáp trả bằng một vụ tấn công sử dụng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. Tuy nhiên, cuộc tấn công chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng với 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Tiếp đó, Mỹ cùng liên quân đã tấn công Syria hôm 14/4 nhằm đáp trả một vụ nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học vào thị trấn Douma cho thấy sự táo bạo của ông Trump, trái ngược với nỗ lực yếu ớt của Obama. Nhưng, giới quan sát cho rằng, đây cũng chỉ là một cuộc tấn công chớp nhoáng và có ý nghĩa “một lần không hơn”.
“Giơ cao đánh khẽ”
Như vậy, với cách tiếp cận hoàn toàn khác Obama, Tổng thống Trump đã 2 lần sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công quân sự tại Syria. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump dường như đã cảnh báo người Nga thực hiện các hoạt động nhằm giảm nguy cơ leo thang hoặc tính toán sai lầm.
Liệu ông Trump có chiến lược gì khác so với người tiền nhiệm Obama |
Những cảnh báo này làm giảm tính hiệu quả của các cuộc tấn công, bởi các lực lượng Nga đủ thời gian di chuyển quân đội ra ngoài tầm với của Mỹ và cho chính phủ Syria thời gian để chuẩn bị đối phó.
Những nỗ lực về Syria của ông Trump đã không được ghi nhận nhiều. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, cuộc tấn công là bất hợp pháp bởi một cuộc tập kích như vậy phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
Các đối thủ của ông Trump tin rằng, ông chủ Nhà Trắng đã thực hiện trận đánh chớp nhoáng để hướng sự chú ý khỏi những bê bối liên quan tới bản thân và cả vị trí tổng thống.
Còn phe ủng hộ tham chiến lại thất vọng với phản ứng nhẹ nhàng của Trump. Phe này cho rằng, cuộc tấn công thứ hai cũng không khác gì lần đầu và sẽ chẳng mang lại lợi ích gì.
Chuyên gia Martin Indyk đánh giá, chính sách Trung Đông của chính quyền ông Trump không có gì khác biệt so với các chính sách “điều khiển từ phía sau” hay theo cách gọi của Nga là “chiến tranh ủy nhiệm” của cựu Tổng thống Barack Obama.
Các tín hiệu gần đây của chính quyền Mỹ chưa đủ để cho thấy một chiến lược tại Syria và Trung Đông rộng hơn; vẫn là hạn chế sự tham gia của Mỹ và đẩy trách nhiệm các hậu quả chiến sự cho các nước còn lại.
Có thể thấy, cách hành động của Mỹ đối với Syria hiện nay dựa theo chiến lược “cân bằng khơi xa”. Trong đó, cường quốc quân sự hàng đầu sử dụng các quốc gia trong khu vực để kiểm soát sự gia tăng hay lớn mạnh các nước thù địch tiềm ẩn.
Và trên tất cả, ông Trump cũng như Obama đều không muốn biến cuộc xung đột kéo dài tại Syria trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Vì thế, những phản ứng của hai Tổng thống Mỹ đối với vấn đề Syria dường như không thay đổi được bế tắc đã kéo dài suốt hơn 7 năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận