Thế giới giao thông

Ông Trump có thể đổi ý về hiệp định biến đổi khí hậu

19/07/2017, 09:12

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ đổi ý về quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris...

20

Nhiều chuyến bay của American Airlines tại Phoenix bị hủy bỏ vì nhiệt độ quá cao

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ đổi ý về quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris bởi thực tế và nghiên cứu vừa qua cho thấy, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đáng kể tới an ninh hàng không

Không thể bay vì quá nóng

Tổng thống Donald Trump trước đó đã tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. Theo quan điểm của ông, ngành công nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong khi những nước ô nhiễm hàng đầu như Nga, Trung Quốc lại không bị hạn chế nghiêm ngặt tương đương với mức xả thải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, về lâu dài, việc không ưu tiên hàng đầu vấn đề biến đổi khí hậu và kịp thời có biện pháp hạn chế, ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt, hàng không có thể sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí ảnh hưởng tới an toàn bay.

Trong một bài viết đăng tải vào trung tuần tháng 7, Los Angeles Times cho biết, hãng hàng không American Airlines phải hủy 60 chuyến bay từ ngày 19-21/6 khi nhiệt độ tại sân bay quốc tế Sky Harbor ở Phoenix tăng đến 119 độ F (tương đương 480C). Để xử lý tình huống, American Airlines phải đặt lại vé cho hành khách của các hãng hàng không bị hủy mà không tính phí.

Hãng này cũng liên lạc với hành khách có lịch trình cất cánh dự kiến trong thời gian nóng nhất của ngày để thông báo về khả năng hủy chuyến. Nhiệt độ cao chủ yếu ảnh hưởng tới các máy bay nhỏ, chặng ngắn như Bombardier (đang được American Airlines sử dụng nhiều) vì máy bay này chỉ chịu được nhiệt độ không quá 118 độ F. Còn máy bay cỡ lớn như Boeing 747 hay Airbus A320 có thể chịu được điều kiện thời tiết nóng hơn khoảng 126 độ F-127 độ F (tương đương 52 độ C).

Sở dĩ nhiệt độ cao ảnh hưởng tới an toàn bay vì khi đó, không khí trở nên loãng hơn, đồng nghĩa, máy bay phải tăng tốc độ nhanh hơn, cần đường băng dài hơn và máy bay nhẹ hơn mới có thể cất cánh. Chẳng hạn, tại sân bay LaGuardia của New York, nơi đường băng nổi tiếng là ngắn, “một máy bay Boeing 737-800 đã phải giảm bớt nửa trọng lượng mới được cất cánh trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm”.

Khoảng 30% chuyến bay tương lai bị ảnh hưởng

Trong tương lai, các hãng hàng không có thể phải đối mặt với vấn đề hủy chuyến thường xuyên hơn bởi tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến nhiệt độ Trái đất tăng cao cực độ - nghiên cứu từ Đại học Columbia do chuyên gia Ethan Coffel cùng nhà khí tượng học Radley Horton thực hiện, đăng tải trên tạp chí Climatic Change cho biết. Nghiên cứu chỉ ra, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng gần 1,8 độ F từ năm 1980 và sẽ tăng khoảng 5,4 độ F tính đến năm 2100.

Ngoài ra, hai tác giả nghiên cứu của Colombia còn cho biết, nhiệt độ tăng cao kéo theo sóng nhiệt (khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần) diễn ra thường xuyên hơn gây ra nhiều vấn đề cho các hãng hàng không. Nghiên cứu của Colombia ước tính, 10% - 30% máy bay chở khách phải bỏ bớt nhiên liệu, hàng hóa hoặc hành khách để có thể bay trong những thời điểm nóng nhất trong ngày hoặc phải chờ đến khi nhiệt độ giảm.

Phi công thương mại Patrick Smith đang điều hành trang web askthepilot.com cũng nhận định: “Chỉ cần nhiệt độ trung bình tăng 5-10 độ F đã đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động hàng không”. Tuy nhiên, để tìm ra giải pháp tối ưu về công nghệ có thể sẽ mất tới hàng thập kỷ. “Chúng ta không thể nghĩ ra ngay công nghệ mới hay loại cánh máy bay mới để đáp ứng thách thức mà tình hình biến đổi khí hậu đặt ra”, ông Smith cho hay. Điều cần thiết hiện nay là phải theo dõi những ảnh hưởng từ việc thay đổi thời tiết và đặt vấn đề ngăn chặn biến đổi khí hậu lên hàng đầu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.