Cuộc biểu tình diễn ra tại Charlottesville |
Tính đến nay, đã gần một tuần kể từ khi xảy ra vụ lao xe tấn công người biểu tình và xung đột bạo lực tại TP Charlottesville, bang Virginia nhưng những tranh cãi về đạo đức, pháp lý, bên nào đúng, bên nào sai vẫn còn đang nóng bỏng. Đến mức, nhiều tướng lĩnh, cựu Tổng thống phải lên tiếng.
Hàng loạt tướng lĩnh, cựu Tổng thống lên tiếng
Bối cảnh của mâu thuẫn và tranh cãi lần này xuất phát từ vụ bạo loạn diễn ra ngày 12/8 giữa các nhóm biểu tình ủng hộ và chống quan điểm “thượng đẳng da trắng” tại Charlottesville. Trong đó, “Unite the Right” là cuộc biểu tình được lên kế hoạch trước diễn ra vào ngày 12/8, tập hợp những người theo chủ nghĩa dân tộc suy tôn da trắng và các nhóm hoạt động cánh hữu trên khắp nước Mỹ.
Cuộc biểu tình leo thang căng thẳng, khi xảy ra đụng độ, buộc cảnh sát phải tuyên bố vụ hỗn loạn này là bất hợp pháp. Khi người tham gia biểu tình giải tán, một thanh niên khoảng 20 tuổi đã bất ngờ lái xe lao vào đám đông người khiến một phụ nữ 32 tuổi thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương, trong đó có một số người đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong bầu không khí vô cùng nhạy cảm bắt nguồn từ căng thẳng sắc tộc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump không những lên án những người theo chủ trương “thượng đẳng da trắng” vốn gây ra những bất ổn tại TP Charlottesville mà lại cho rằng vụ việc xuất phát “từ nhiều phía”. Điều này khiến dư luận Mỹ rất tức giận.
Đáng chú ý, ngày 17/8, nhiều tướng lĩnh quân đội, những người vốn giữ lập trường không tham gia chính trị đã lên tiếng chỉ trích những mâu thuẫn sắc tộc trong nội bộ Mỹ. Theo CNN, 5 sỹ quan thuộc hàng ngũ tham mưu cấp cao của Mỹ, trong đó có Đô đốc John Richardson đã ra tuyên bố lên án các nhóm “thượng tôn da trắng” tại Charlottesville, cáo buộc rằng đây là những hành vi không thể chấp nhận và không thể tha thứ.
Dù thông báo không trực tiếp nhắc tới những bình luận của ông Trump nhưng đó được coi là thông điệp gửi tới toàn bộ dư luận Mỹ, thực sự đã gây bất ngờ cho cánh báo chí vì từ lâu các quan chức quân đội Mỹ luôn cam kết đứng ngoài chính trị.
Cùng ngày, cha con cựu Tổng thống Bush cũng có động thái hiếm hoi khi ra tuyên bố chung về lên án sự “hận thù, chống Do thái và mù quáng về chủng tộc”. Trước nữa, người tiền nhiệm của ông Donald Trump - cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã kêu gọi cộng đồng Mỹ hãy cùng nhau chống phân biệt chủng tộc. Lời kêu gọi của ông Obama trên Twitter tính đến nay đạt số lượt yêu thích cao nhất (3,6 triệu lượt thích và 1,4 triệu lượt chia sẻ).
Cái giá của tự do tại Mỹ?
Theo quan điểm của nhà phân tích pháp lý của hãng tin Fox New và cựu Chưởng lý quân sự, ông Gregg Jarrett, vụ việc tại Charlottesville là giá đắt mà Mỹ phải trả cho sự tự do. Trong bài viết đăng trên Fox News ngày 17/8, ông Jarrett nói: Quan điểm của những người biểu tình ủng hộ “thượng đẳng da trắng”, chủ nghĩa phát xít mới, hội kín Ku Klux Klan… là “không thể chấp nhận” và không đại diện cho “giá trị Mỹ”. “Họ dường như cổ xuý quan điểm phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do thái” nhưng tại sao họ vẫn được phép tổ chức biểu tình và dẫn đến mâu thuẫn xã hội gay gắt như hiện nay?
Trong Đạo luật Bổ túc thứ Nhất, các nhà khai quốc của Mỹ đã khẳng định tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, kể cả bày tỏ sự căm thù và cố chấp. Song, điều không được tự do làm đó là thực hiện những hành vi bạo lực đối với người khác. Người ta không có quyền thực hiện hành vi tấn công, giết người khi thực hiện quyền được tự do ngôn luận.
Hiến pháp Mỹ cũng quy định người dân không được dùng ngôn từ để kích động bạo lực. Dựa trên đó, ông Jarrett nhận định rằng, việc Tổng thống Mỹ chỉ trích cả hai bên trong vụ biểu tình bạo lực Charlottesville là đúng cả về thực tế và pháp lý. Nhiều đoạn video hiện trường mà cảnh sát đã kiểm chứng cho thấy, cả hai bên theo và chống biểu tình đều thực hiện hành vi bạo lực. Có lẽ, đó là điều Tổng thống Trump muốn nhấn mạnh.
Song, việc đúng về pháp lý chưa chắc đã chuẩn về đạo đức và đó chính là điểm khiến Tổng thống Trump không muốn tung ra những tuyên bố rõ ràng, nhà phân tích Gregg Jarrett nhận định.
Mặt khác, theo ông Jarrett, lỗi phần nào do thẩm phán liên bang Mỹ đã đồng ý cấp phép cho cuộc biểu tình này diễn ra. Theo luật pháp Mỹ, nếu các cuộc biểu tình tiềm ẩn khả năng gây ra mối đe doạ rõ ràng với cộng đồng hoặc đe doạ phát sinh những hành vi phi pháp trong tương lai, thì việc biểu tình, tuần hành cần phải được cấm hoặc hạn chế về thời gian, địa điểm.
Trong trường hợp cho phép tiến hành, nhà chức trách cần chuẩn bị các biện pháp hiệu quả để sẵn sàng bảo vệ công dân. Song, trong trường hợp này, giới chức thành phố đã cảnh báo Thẩm phán quận - ông Glen Conrad rằng cuộc biểu tình có nguy cơ diễn biến thành bạo lực, yêu cầu ông ra phán quyết chuyển địa điểm biểu tình tới công viên lớn hơn ở gần đó để các lực lượng thực thi pháp luật dễ dàng kiểm soát người biểu tình, ngăn chặn các nhóm đến gần nhau và ngăn chặn bạo lực đẫm máu.
Thành phố Charlottesville cũng trình lên một số bằng chứng của lực lượng điều tra cho thấy có hơn 1.000 người biểu tình, chứ không phải vài trăm và vài người trong số đó có mang theo vũ khí. Tuy nhiên, Thẩm phán Conrad cho rằng đó chỉ là tin đồn, bác bỏ yêu cầu hạn chế biểu tình, cấp phép cho cuộc biểu tình diễn ra.
Nhà phân tích pháp lý kết rằng: “Tự do tại Mỹ rất đắt. Và bà Heather Heyer (người thiệt mạng trong cuộc biểu tình trên) đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận