Thế giới

Ông Trump thừa nhận Nga can thiệp bầu cử

10/01/2017, 06:26
image

Giới chức tình báo khẳng định, Nga đứng sau vụ tấn công mạng và làm rò rỉ các tài liệu của Đảng Dân chủ.

Ông Donald Trump thừa nhận Nga can thiệp ba

Ông Donald Trump thừa nhận Nga can thiệp bầu cử nhưng không cho biết có đồng ý với kết luận ông Putin chỉ đạo hay không.

Chánh văn phòng Nhà Trắng của chính quyền Mỹ sắp nhậm chức Reince Priebus cho biết, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đồng ý với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm quấy rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời cho biết “các biện pháp có thể được đưa ra” để phản ứng, theo CNN ngày 9/1.

Chấp nhận thực tế

Trong chương trình Fox News Sunday, ông Priebus nói rằng, ông Trump chấp nhận thực tế rằng trong trường hợp cụ thể này, các thực thể ở Nga đã đứng sau hành động xâm nhập vào các tổ chức và cá nhân của Đảng Dân chủ. Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ chỉ thị các cơ quan tình báo đưa ra các đề xuất cần phải làm gì và dựa trên những đề xuất này, các hành động có thể được tiến hành. Song, ông Priebus không cho biết rõ, ông Trump có đồng ý với kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp chỉ đạo tấn công hay không.

Cuối tuần qua, giới chức tình báo công bố báo cáo khẳng định, Nga đứng sau vụ tấn công mạng và làm rò rỉ các tài liệu của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Báo cáo giải mật dài 25 trang cho rằng, ông Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch vào năm 2016 nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với mục đích làm xói mòn niềm tin của công chúng trong tiến trình dân chủ tại Mỹ. Báo cáo còn nhận định, động thái của Nga là một phần trong chủ trương làm xói mòn “trật tự dân chủ tự do” tại Mỹ và các cơ quan tình báo tin rằng, Cơ quan Tình báo quân đội (GRU) Nga đã sử dụng các công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán các thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, cũng như từ các chính khách dân chủ hàng đầu khác.

Xem thêm video:

Về phía ông Donald Trump đã có cuộc gặp mang tính xây dựng với các thành viên của các Cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên, khi đó ông Trump lại không đổ lỗi cho Nga liên quan đến vụ xâm nhập qua mạng nhằm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử: “Mặc dù Nga, Trung Quốc, các nước khác cùng nhiều cá nhân và tổ chức bên ngoài luôn tìm cách xâm nhập cơ sở hạ tầng mạng của các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức, bao gồm cả Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, nhưng hoàn toàn không có tác động nào đến kết quả bầu cử, trong đó thực tế là không có bất cứ sự can thiệp nào đối với các máy bỏ phiếu tự động”.

Ông Trump cũng từ chối coi Nga có liên quan đến việc can thiệp qua mạng vào bầu cử và tin tưởng kết quả bầu cử không bị ảnh hưởng bởi tin tặc. Tuy nhiên, ông Trump có kế hoạch bổ nhiệm một nhóm soạn thảo kế hoạch đối phó với các cuộc tấn công mạng trong vòng 90 ngày kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Làm Tổng thống không như quản lý doanh nghiệp

Mặc dù đồng ý với kết luận của cộng đồng tình báo, nhưng ông Trump cũng lên tiếng chỉ trích những ý kiến phản đối một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Trước đó, ông Trump khẳng định một mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt và chỉ những “kẻ ngốc” mới cho rằng đó là điều tồi tệ. Tỷ phú bất động sản này còn nhận định sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống, Nga sẽ tôn trọng Mỹ hơn hiện nay và hai nước có thể sẽ cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề lớn và cấp bách trên thế giới.

Trong khi đó, ngày 8/1, hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ bày tỏ hoài nghi về khả năng Nga có thể trở thành một đồng minh của Mỹ, ý tưởng mà ông Trump theo đuổi. Nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện nói rằng, ông ủng hộ tình hữu nghị Mỹ - Nga nhưng không chắc điều này có khả thi hay không. Còn nghị sĩ Dân chủ cấp cao nhất của Ủy ban trên, ông Adam Schiff phát biểu trên kênh CNN rằng, sẽ rất tuyệt vời nếu Nga có thể trở thành đồng minh, song điều này là không thực tế.

Liên quan đến kết luận của Cơ quan tình báo Mỹ, Tổng thống Barack Obama thừa nhận ông đã đánh giá thấp tác động của chiến dịch đưa thông tin sai lạc và xâm nhập máy tính đối với một nền dân chủ. Ông Obama nói: “Tôi nghĩ rằng trong thời đại thông tin mới này, tôi đã đánh giá thấp mức độ mà việc đưa thông tin sai lạc và xâm nhập trên mạng... có thể có tác động vào các xã hội cởi mở của chúng ta, các hệ thống mở của chúng ta, để họ xâm nhập vào các hoạt động dân chủ của chúng ta theo những cách thức mà tôi nghĩ rằng đang phát triển nhanh chóng”.

Ông Obama cũng cảnh báo ông Trump về sự khác biệt giữa việc điều hành một đất nước với chiến dịch tranh cử, đồng thời cho rằng trúng cử sẽ không thể giữ cương vị tổng thống như cách ông quản lý một doanh nghiệp gia đình.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.