Ông Võ Kim Cự khẳng định không né tránh báo chí |
Trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông tối 25/7, ĐBQH khoá XIV Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã khẳng định như vậy trước những thông tin cho rằng ông cố tính né tránh báo chí thời gian vừa qua, khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ông và lãnh đạo Hà Tĩnh trong vụ việc liên quan đến Formosa.
Tôi không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm
Trước câu hỏi của PV Báo Giao thông, vì sao trong những ngày họp Quốc hội vừa qua, dù luôn được cánh PV báo chí săn đón, nhưng ông luôn tìm cách né tránh. Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây cũng lên tiếng về việc này, ông Võ Kim Cự cho biết, ông chưa thấy Chủ tịch Quốc hội trao đổi với ông về vấn đề này, nhưng ông khẳng định không hề né tránh báo chí.
"Thời gian giải lao ở Quốc hội chỉ có 20 phút thôi, trong khoảng đó nếu có trao đổi cũng không thể nói hết được vấn đề, và khi không nói được ngọn ngành thì người ta dễ hiểu sai câu chuyện. Tôi còn muốn gặp báo chí để thông tin chính thức chứ không muốn né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm, tất cả chỉ vì thời gian chưa thích hợp mà thôi" - ông Cự giãi bày.
Hỏi về tâm tư cũng như những áp lực trong thời gian qua khi câu chuyện Formosa xảy ra, ông Võ Kim Cự nói bản thân ông cũng băn khoăn nhiều, nhưng ông khẳng định làm mọi việc theo đúng quy trình của pháp luật, không vì bất cứ động cơ hay mục đích nào khác.
"Vì đất nước mình nghèo nên có rất nhiều vấn đề khó khăn, và khi ấy Hà Tĩnh cũng rất khó khăn nên tôi muốn có một dự án vừa là đầu kéo, vừa là nền tảng để tạo cú hích phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
Tôi muốn quê hương thoát nghèo sớm để đi lên một cách bền vững hơn nên nghĩ rằng phải có cú hích, có luồng gió mới, có nguồn lực và nguồn vốn lớn, có nhà máy với công nghệ hiện đại, có tư duy hội nhập… Ý tưởng là muốn như thế nhưng không ngờ mọi việc xảy ra ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát và khiến tôi bất ngờ hoàn toàn" - nguyên lãnh đạo Hà Tĩnh chia sẻ.
Về trách nhiệm của mình, ông Cự khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm chứ không thể đổ trách nhiệm cho T.Ư, địa phương hay ai đó được. "Thế nhưng, mong mọi người cần có cái nhìn nhận toàn diện, khách quan trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể hơn để đánh giá chuẩn xác hơn, đừng làm mất động lực để những người dám làm, dám thay đổi lại phải sợ hãi và né tránh, không dám làm gì cả" - ông Cự nói.
Cấp phép cho Formosa theo đúng quy định
Về việc cấp phép cho Formosa và hoạt động ở Việt Nam, ông Võ Kim Cự cho hay, sau khi Tập đoàn Formosa có đơn đăng ký vào đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc cho tiến hành làm hồ sơ, thủ tục theo quy định. Tập đoàn Formosa đã làm hồ sơ, thủ tục theo đúng trình tự quy định của pháp luật Việt Nam.
Về quy trình cấp phép, ông Cự cho biết, đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó Nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 Bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, Quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.
Về Báo cáo đánh giá tác động môi trường đều do các cơ quan Trung ương thẩm định. Địa phương một là không có thẩm quyền, hai là cũng không đủ khả năng.
Như vậy, căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Đất đai, căn cứ vào Quyết định 72 và Nghị định 108 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài, lúc đó Ban Quản lý khu Kinh tế Vũng Áng mới chính thức cấp phép đầu tư.
Việc cấp phép thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là 70 năm cũng căn cứ vào Điều 36 của Luật Đầu tư quy định. Trong Luật đã quy định rõ, đối với những Dự án có nguồn đầu tư có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và đạt được các tiêu chí như cần khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như luyện thép, cảng biển, sản xuất điện và sử dụng trên 5.000 nghìn công nhân trở lên. Dự án này đã đạt được cả 4 tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư nên việc cấp phép 70 năm là đúng theo quy định của pháp luật.
Sau đó, đã có 2 lần kiểm tra của Trung ương và của Thanh tra Chính phủ thanh tra trên các lĩnh vực về đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, đầu tư... Thanh tra Chính phủ sau khi tiến hành thanh tra đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp 2 cuộc và đi đến kết luận.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 926 ngày 30/1/2015, thống nhất việc cấp phép thời hạn của Dự án Formosa 70 năm là phù hợp, giữ nguyên với thời hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư mà Khu kinh tế Vũng Áng đã cấp. Thủ tướng khẳng định và đồng ý sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.
>>> Xem thêm Video: Toàn cảnh họp báo công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận