Phát biểu tại “Đối thoại về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - EU” sáng nay 1/7, ông Lộc cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay Việt Nam có song hỷ. Đó là sự kiện ngày 1/1/2019 Hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực. Tiếp đó, ngày 30/6/2019 hai hiệp định là EVFTA và IPA đã được ký kết.
“Như vậy chúng ta có Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và có Hiệp định đưa chúng ta gần Đại Tây Dương. Đây là hành trình chinh phục Đại Tây Dương và Thái Bình Dương”, ông Lộc nói.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết đã tham vấn ý kiến doanh nghiệp và nhất trí rằng đây là hiệp định tốt nhất với hai nghĩa: Tự do cao nhất và công bằng nhất. “Đây là hai từ quan trọng nhất trong thương mại thế giới”, ông Lộc nói.
Nói về sự hợp tác giữa hai nền kinh tế ông Lộc cho rằng Việt Nam và EU ông Lộc ví von: “Tôi nghĩ là đây là cuộc đối thoại Đông - Tây, hai nền văn hóa, là điển hình giữa nước phát triển và nước đang phát triển. Tôi nghĩ hiệp định này ý nghĩa vì nhân lên tính bổ sung và tương trợ, mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân Việt Nam và EU, khép lại khoảng cách phát triển EU và Việt Nam trong tương lai, cộng khác biệt văn hóa nhân lên những điểm tốt của Hiệp định”.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, hiệp định này sẽ thúc đẩy hợp tác trong tương lai giữa Asean và EU. “Singapore có thể đại diện cho nền kinh tế đứng đầu Asean đạt được thỏa thuận với EU. Việt Nam là nền kinh tế khóa đuôi đạt được thỏa thuận này với EU nên không có lý gì các nền kinh tế khác trong khối không đạt được. Hiệp định này này mang ý nghĩa hành trình về phương đông của các doanh nghiệp EU”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
“Khi EU thành công trong hợp tác với Việt Nam trong hiệp định này, EU sẽ thuyết phục được cả thế giới”, ông Lộc nói.
Về phía các doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong khuôn khổ hợp tác này các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là chủ thể, đối tượng ưu tiên. Không chỉ Việt Nam mà tại EU cũng có tới 98% doanh nghiệp là SME. “Nên nếu SME không thành chủ thể trong khuôn khổ Hiệp định này thì chúng ta thất bại”, ông Lộc nói và cho rằng cần hỗ trợ các SME để tham gia thị trường.
Ông Lộc cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp EU với trình độ quản trị, công nghệ… ở mức cao hơn hãy giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời Chính phủ Việt Nam và EU hỗ trợ SME trong quá trình thực hiện hiệp định.
Về các mặt hàng cụ thể, ngoài các mặt hàng như dệt may, giày dép, nông sản, gỗ thì Việt Nam còn nhiều mặt hàng cung cấp cho thị trường EU. Ông Lộc cũng kỳ vọng các doanh nghiệp EU sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là vào lĩnh vực hạ tầng theo hình thức đối tác công tư.
Riêng với nông nghiệp, ông Lộc đề cập tới nông sản như café, hạt tiêu, điều… và thủy sản. “Chúng tôi xin nói rằng, đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản sang EU không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế vì nông dân Việt Nam đang có thu nhập chưa được 1.000 USD/năm. Hay nếu phát triển dệt may, giày dép thì sẽ mở cơ hội cho hàng chục triệu cơ hội làm việc. Đương nhiên, EU cũng có cơ hội lựa chọn phong phú hàng hóa.
“Tôi tin hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích cho cả chục triệu doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích trăm triệu người dân, đóng góp cho thương mại thế giới”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận