Theo thỏa thuận mới, sản lượng sản xuất dầu của OPEC dự kiến sẽ giảm từ 33,4 triệu thùng dầu/ngày xuống mức 32,5 - 33 triệu thùng/ngày |
Ngày 28/9, tại cuộc họp ở Algiers (Algieria) Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) chấp thuận cắt giảm khai thác dầu khí, lần đầu tiên trong 8 năm, theo Reuters.
Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, giá dầu lập tức tăng mạnh hơn 5%, lên 48 USD/thùng tính đến sáng sớm 29/9. Nguồn cung dầu mỏ dồi dào trên toàn cầu khiến giá dầu giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây. Giá dầu sụt giảm xuống 26 USD/thùng vào tháng 2/2016 nhưng các nước OPEC vẫn kiên quyết không hạ sản lượng khai thác. Nay, theo thỏa thuận mới, sản lượng sản xuất dầu của OPEC dự kiến sẽ giảm từ 33,4 triệu thùng dầu/ngày xuống mức 32,5 - 33 triệu thùng/ngày. Riêng ba nước Iran, Nigeria và Libya được miễn cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, mỗi nước trong OPEC cắt giảm sản lượng bao nhiêu sẽ được quyết định trong cuộc họp chính thức sắp tới vào tháng 11, với sự tham gia của nhiều nước ngoài OPEC như Nga. Dự đoán, Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới sẽ cắt giảm tới 350.000 thùng/ngày. Các nước khác trong nhóm OPEC cũng sẽ cắt giảm sản lượng.
Giá dầu lao dốc đã khiến cho các quốc gia Arab vùng Vịnh phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, xây dựng nền kinh tế tri thức giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Thứ trưởng Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah Al Saleh tuyên bố, Chính phủ nước này sẽ ban hành một luật mới để tăng cường phát triển các ngành phi dầu mỏ; cho phép người nước ngoài sở hữu 100% doanh nghiệp trong một số lĩnh vực của nền kinh tế UAE, trong khi luật hiện hành chỉ được phép sở hữu 49% cổ phần doanh nghiệp ở UAE.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo thâm hụt ngân sách của 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC - gồm Saudi Arabia, UAE, Baranh, Qatar, Oman và Kuwait) có thể lên tới 700 tỷ USD trong 5 năm tới nếu các nước này tiếp tục chính sách trợ giá và dựa vào dầu khí như là nguồn thu nhập chính. Trong khi 5 năm trước, các nước này đạt thặng dư ngân sách tới 600 tỷ USD. Dầu mỏ chiếm 60% GDP của Saudi Arabia và Kuwait và 29% của UAE.
Về phía Nga - đất nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, vì ngân sách của Nga lệ thuộc vào xuất khẩu dầu nên với giá dầu ở mức thấp như trước, nước này vẫn duy trì và liên tục tăng sản lượng khai thác dầu lên mức kỷ lục. Điển hình, tháng 9 vừa rồi, sản lượng khai thác dầu của Nga tăng lên mức 11,1 triệu thùng/ngày. Do đó, việc giá dầu tăng ắt hẳn sẽ mang lợi ích cho Nga.
>>> Xem thêm video CA HN thông tin chính thức vụ CSHS xô xát với PV:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận