Ông Phạm Văn Thanh |
Thành quả của sự nỗ lực
Petrolimex Aviation đã có những đóng góp gì cho ngành Hàng không, thưa ông?
Ngày 28/4, Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) tròn 10 tuổi. Tuy còn non trẻ so với truyền thống gần 63 năm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhưng Petrolimex Aviation đã khẳng định vị thế là doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu bay uy tín, dịch vụ chuyên nghiệp.
Sau 10 năm phát triển, từ sản lượng xuất bán ban đầu 20.000m3 nhiên liệu bay Jet A-1 năm 2009, đến nay, Petrolimex Aviation đã xuất bán gần 800.000m3/năm, tăng gần 40 lần, đứng thứ 4 về quy mô trong hệ thống hơn 40 công ty xăng dầu của Petrolimex. Đây cũng là một trong các công ty đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất của tập đoàn. Petrolimex Aviation là 1 trong 29 đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu của cả nước; đầu mối duy nhất của Petrolimex kinh doanh xăng Jet A-1.
Petrolimex Aviation được thành lập năm 2008 theo chỉ đạo của HĐQT Petrolimex với sự tham gia của các cổ đông sáng lập gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty CP Hóa dầu quân đội (Mipec), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng, đến nay, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. |
Là đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, Petrolimex Aviation đã thực hiện đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, kỹ thuật trong toàn bộ chuỗi cung ứng nhiên liệu, từ khâu tìm kiếm nguồn hàng, đàm phán và mua hàng đến khâu tra nạp/xuất bán trực tiếp cho khách hàng. Petrolimex Aviation hiện chiếm hơn 30% thị phần thị trường nhiên liệu hàng không với hệ thống phân phối trải dài khắp cả nước; cung cấp nhiên liệu Jet A-1 cho hơn 30 hãng hàng không lớn trên thế giới, trong đó có những hãng hàng không “5 sao” như: Emirates Airline, Singapore Airlines, Etihad Airways, Air France... Petrolimex Aviation cũng đã phát triển được 5 chi nhánh cung cấp nhiên liệu cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế tại 5 sân bay: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nội Bài, Cát Bi. Trong thời gian tới sẽ mở rộng, phát triển hệ thống cung cấp nhiên liệu tại một số sân bay khác tại Việt Nam.
Ngoài ra, Petrolimex Aviation cũng đang nỗ lực tìm kiếm và hợp tác với các đối tác nước ngoài đã mở rộng mạng lưới cung cấp nhiên liệu đến 45 sân bay tại khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia... nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu bay hai chiều cho hãng hàng không VietJet.
Có mặt trên thị trường xăng dầu hàng không 10 năm, luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, giá cạnh tranh, đáp ứng nhanh và đầy đủ mọi yêu cầu về nhiên liệu Jet A-1 tại các điểm bán hàng, bí quyết để có thành quả này của Petrolimex Aviation là gì?
Có thể nói, Petrolimex Aviation là doanh nghiệp tiên phong hoạt động trong lĩnh vực hoàn toàn mới của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Từ những bước khởi đầu đầy khó khăn với sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, con người, kinh nghiệm, Petrolimex Aviation đã từng bước hoàn thiện hệ thống kinh doanh nhiên liệu hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, chi tiết về chất lượng, kỹ thuật, hệ thống công nghệ, công tác quản lý, an ninh an toàn hàng không trong bối cảnh thị trường cạnh tranh từ các nhà cung cấp khác đã có nền tảng kinh doanh lâu năm trước đó cũng như có sự gia nhập của các nhà cung cấp mới. Tại Việt Nam, thị trường nhiên liệu hàng không đang có sự chuyển biến tốt cả về chất và lượng. Sản lượng tiêu thụ tăng mạnh là cơ hội cho các nhà sản xuất, cung cấp nhiên liệu hàng không nước ngoài bán được nhiều sản phẩm hơn. Thêm nữa, thị trường có sự cạnh tranh nhất định sẽ đem lại lợi ích cho khách hàng (hãng hàng không) khi chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động.
Đó là thành quả ban đầu mà chúng tôi rất tự hào. Theo tôi, có được thành công như vậy là do tầm nhìn và định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo Petrolimex, sự nỗ lực chủ động lao động sáng tạo của hơn 300 CBCNV-NLĐ Petrolimex Aviation, sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Trung ương và các địa phương, sự tin cậy của các đối tác Việt Nam và nước ngoài vào thương hiệu Petrolimex.
Petrolimex Aviation tra nạp nhiên liệu cho khách hàng tại CHK quốc tế Cam Ranh |
Khẳng định vị thế trong lĩnh vực nhiên liệu hàng không
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 83; nhưng giá cả và điều kiện mua bán trong hợp đồng thương mại lại tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này. Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này?
Nhiên liệu bay và doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay nằm trong nhóm đối tượng áp dụng Nghị định 83 vì đều là xăng dầu. Nhưng nhiên liệu bay có đặc thù khác với xăng dầu mặt đất ở chỗ: Giá cả và điều kiện mua bán trong hợp đồng thương mại tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Đây là bài toán khó nhưng đã có lời giải được chứng minh bằng kết quả sản xuất, kinh doanh. Petrolimex Aviation đã tối ưu các phương án đầu tư, xây dựng hệ thống tinh gọn, tiết giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, Petrolimex Aviation đã đạt được nhiều thỏa thuận, hợp đồng bán hàng với nhiều hãng hàng không quốc gia Việt Nam và quốc tế. Đó chính là uy tín và sự tin cậy thương hiệu của chúng tôi.
Sự khác biệt nữa là ở chỗ không phải cứ có nhiên liệu bay là bán được cho các hãng hàng không. Trong quá trình giao dịch và ký kết hợp đồng dịch vụ, khách hàng đều đặc biệt quan tâm chi tiết đến hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị và công nghệ, quy trình quản lý và kiểm soát/giám sát chất lượng nhiên liệu và nguồn nhân lực phải ở tầm quốc tế.
Thông qua sự đánh giá khắt khe của các tổ chức hàng không và các hãng hàng không, hãng xăng dầu lớn của thế giới, Petrolimex Aviation từng bước tạo lập sự tin cậy của khách hàng vào chất lượng dịch vụ cung cấp nhiên liệu hàng không, tạo lập thị phần một cách từ từ nhưng vững bền.
Công tác mở rộng thị trường, phát triển khách hàng được triển khai như thế nào, thưa ông?
Mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là mục tiêu và định hướng xuyên suốt trong sự phát triển của công ty. Từ cuối năm 2008, Petrolimex Aviation đã cung cấp/xuất bán cho khách hàng tại Campuchia bằng đường thủy với sản lượng hiện tại khoảng 5.000m3/tháng. Việc trở thành đầu mối cung cấp nhiên liệu cho khách hàng tại sân bay nước ngoài là xu hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu hàng không, giúp các hãng hàng không hoàn toàn yên tâm dành nhân lực và thời gian tập trung phát triển đường bay mới ra nước ngoài. Đáng chú ý, trong năm 2017, đã có trên 40 sân bay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện cung cấp nhiên liệu cho khách hàng hàng không của Petrolimex Aviation. Sản lượng xuất bán thông qua đối tác tại các sân bay này đạt gần 80.000m3, chiếm 10% tổng sản lượng kinh doanh. Hoạt động bán hàng tại các sân bay nước ngoài được đánh giá cao, tận dụng quan hệ mạng lưới khách hàng toàn cầu, mang lại hiệu quả chung cho công ty và khách hàng, tạo bước ngoặt mới trong việc tìm kiếm khách hàng.
Hướng đến mục tiêu “để tiến xa hơn”
Ông có thể cho biết định hướng phát triển của Petrolimex Aviation trong thời gian tới và các giải pháp chủ yếu?
Mục tiêu mà công ty đặt ra trong những năm tới là phủ sóng tất cả các sân bay trong nước và tiếp tục vươn ra thị trường thế giới, không chỉ ở khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, Ban lãnh đạo công ty xác định tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng lực quản trị điều hành; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO-9001, hệ thống công nghệ thông tin, quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và các phần mềm ứng dụng khác, áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu hàng không với mục tiêu phát triển “Hiệu quả - An toàn - Bền vững”, nhằm khẳng định vị thế, hình ảnh, thương hiệu của Petrolimex Aviation nói riêng và góp phần gia tăng thêm giá trị của chữ “P” . Bên cạnh đó, cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng mạng lưới bán hàng tại các đầu sân bay lớn và tiềm năng tại thị trường nội địa, mở rộng hoạt động kinh doanh hơn nữa ở thị trường nước ngoài; tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để tận dụng lợi thế về công nghệ, nguồn vốn, thị trường và cách thức quản lý; trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán…
Để đạt được mục tiêu trên, Petrolimex Aviation rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Trung ương và các địa phương, sự hợp tác mật thiết của các đơn vị thành viên Petrolimex tại Việt Nam và nước ngoài, sự tin cậy của cổ đông và các đối tác, bạn hàng, khách hàng trong những năm tiếp theo.Về phía Petrolimiex Aviation, tập thể CBCNV-NLĐ chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chạy đua với thời gian “để tiến xa hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận