Kinh tế

Petrovietnam sẵn sàng cho chặng đường phát triển mới

09/09/2024, 10:38

Chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế và giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Petrovietnam có đủ năng lực và điều kiện phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia theo định hướng của Ðảng, Chính phủ.

Petrovietnam sở hữu nền tảng, lợi thế quan trọng

Trước bối cảnh hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã có những định hướng, bước chuẩn bị để chuyển dịch nhằm phát triển nhanh và bền vững, thích ứng xu thế mới với mục tiêu "Xây dựng và phát triển Petrovietnam thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia".

Petrovietnam sẵn sàng cho chặng đường phát triển mới- Ảnh 1.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nghe báo cáo tại Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.

Ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW, định hướng, củng cố và mở đường cho thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng trên chặng đường mới.

Để thực hiện chiến lược này, Petrovietnam hoàn toàn có cơ sở vững chắc, đủ nguồn lực và có nhiều điểm mạnh giúp quá trình chuyển dịch được thực hiện nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm.

Đó là năng lực tài chính mạnh; có sự liên kết tương hỗ trong chuỗi giá trị dầu khí thông qua 5 lĩnh vực chính (bao gồm tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao); Petrovietnam có quan hệ hợp tác rộng rãi, đa phương với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nên có cơ hội hợp tác, lĩnh hội tri thức, công nghệ về chuyển dịch năng lượng…

Đặc biệt, Tập đoàn có thể tận dụng kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng từ chuỗi giá trị dầu khí (hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình dầu khí trên bờ, ngoài khơi…) có nhiều điểm tương đồng với yêu cầu phát triển của các nguồn năng lượng mới đòi hỏi suất đầu tư lớn, trình độ khoa học kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao với khả năng quản lý, vận hành các dự án, công trình lớn, phức tạp.

Tính đến ngày đến 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 43 tỷ USD); vốn chủ sở hữu hơn 530 nghìn tỷ đồng (23 tỷ USD); tổng doanh thu bình quân hằng năm tương đương khoảng 9 - 10% GDP của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm đạt 9 - 9,5% tổng thu ngân sách của cả nước.

Petrovietnam được Fitch Rating, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới liên tục xếp hạng tín nhiệm mức BB+ (năm 2023); phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Petrovietnam.

Hiện tại, sản lượng khai thác dầu thô trong nước của Petrovietnam trung bình đạt 7,5 - 8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6 - 8 tỷ m3/năm.

Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; và cung cấp 1,6 - 1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm).

Petrovietnam đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600 MW, tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia.

Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc phòng, an ninh trên biển.

Petrovietnam sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí lớn mạnh, đồng bộ chuỗi khép kín, hoàn chỉnh ở tất cả các khâu; hình thành nên đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, được đào tạo, trang bị kiến thức về công nghệ, quản lý dự án, quản trị rủi ro, tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, môi trường.

Petrovietnam cũng thường xuyên kết nối, hợp tác nghiên cứu với các đối tác, tập đoàn lớn trên thế giới nhằm đón đầu và chuẩn bị cho xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ; chủ động và đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng lộ trình phát triển về năng lượng tái tạo (NLTT) và năng lượng mới (điện gió ngoài khơi, hydrogen, amoniac xanh), thu giữ và chuyển hóa CO2.

Sự chuẩn bị bài bản và thành công bước đầu

Petrovietnam sẵn sàng cho chặng đường phát triển mới- Ảnh 2.

Các kỹ sư trao đổi chuyên môn trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trên cơ sở nguồn lực và định hướng phát triển, Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng lộ trình phát triển mới dựa trên việc phát huy các lợi thế sẵn có của ngành dầu khí để phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt như điện gió ngoài khơi (ÐGNK); điện gió ven biển; nhập khẩu, cung ứng LNG; phát triển điện khí; sản xuất thiết bị năng lượng; phân phối pin lưu trữ, trạm sạc cho xe điện; thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng sạch như hydrogen, amoniac và các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao cho thị trường; nghiên cứu triển khai các dự án thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS); nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí, tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Song song với các định hướng, Petrovietnam đã triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn như: Chương trình nghiên cứu cơ bản bổ sung, nghiên cứu ứng dụng đánh giá tiềm năng, gia tăng trữ lượng dầu khí bằng công nghệ mới và các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến để phát triển, khai thác các mỏ dầu khí bảo đảm hiệu quả kinh tế; chương trình nghiên cứu, phát triển sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydro; chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tàng trữ và sử dụng CO2 tại các cơ sở sản xuất của Tập đoàn…

Cùng đó là chương trình phát triển sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hóa chất và hóa dầu mới, vật liệu tiên tiến và nhiên liệu sạch từ các nguồn nguyên liệu trong nước, có thị trường lớn, có khả năng xuất khẩu và biên lợi nhuận cao. Chương trình nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của sự phát triển năng lượng tái tạo và quá trình dịch chuyển năng lượng đến chiến lược phát triển của Tập đoàn và các giải pháp ứng phó. Chương trình nghiên cứu các giải pháp (cơ chế) và công nghệ nhằm tổ hợp, tích hợp hệ thống hạ tầng kinh doanh các sản phẩm chủ lực hiện tại và tương lai, tăng hiệu quả kinh tế chung, gia tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh sản phẩm chủ lực của Petrovietnam…

Các đơn vị trong Petrovietnam cũng chủ động xây dựng chương trình nghiên cứu ở những lĩnh vực thế mạnh, phù hợp với định hướng chuyển dịch, chiến lược phát triển của đơn vị.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, chuẩn bị, Petrovietnam đã từng bước tham gia và có những thành công ban đầu trong chuyển dịch theo xu hướng mới.

Có thể kể đến như Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đi đầu và hiện là tổng thầu có năng lực hoàn thiện nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực ÐGNK, đã nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ thiết kế, sản xuất, cung cấp thiết bị ÐGNK cho nhiều đối tác, dự án lớn trên thế giới; Tổng công ty Khí Việt Nam là đơn vị tiên phong, duy nhất hiện nay của Việt Nam nhập khẩu và kinh doanh LNG; Tổng công ty Dầu Việt Nam tham gia cùng với đối tác triển khai lắp đặt trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu…

Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu với các đối tác trong nước và quốc tế để thực hiện các định hướng chiến lược…

Trên tinh thần "Một đội ngũ, một mục tiêu", toàn Tập đoàn cùng đồng hành để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Petrovietnam trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.