Việc thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ) được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, không để dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất.
Kiểm tra thân nhiệt cán bộ, người lao động trước khi vào các nhà máy điện
Vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch hiệu quả
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là TP HCM, các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều đơn vị, công trình dầu khí.
Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh tái bùng phát, các đơn vị Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống, ứng phó khẩn cấp với những tình huống có thể xảy ra. Trong đó, quyết định quan trọng nhất là việc không tiến hành đổi ca thường xuyên cho các cán bộ, kỹ sư, người lao động trên các giàn khoan, công trình dầu khí.
PVEP đã tạm dừng đưa nhân sự ra các công trình để kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa nếu không quá cần thiết. Các nhân sự đổi ca được yêu cầu có mặt tại Vũng Tàu trước khi ra giàn 7 ngày và sẽ tiến hành test RT-PCR trước khi đi giàn 1 ngày.
Cá biệt như dự án Bir Seba (Algeria) do điều kiện công trình dầu khí ở nước ngoài nên hơn 1 năm qua, các cán bộ biệt phái tại dự án đã không đổi ca, vẫn tiếp tục bám trụ.
Công đoàn Dầu khí Việt Nam và lãnh đạo PVEP thăm hỏi động viên cán bộ biệt phái tại Algeria
Từ ngày 14/7, BIENDONG POC kích hoạt chương trình chia khối làm việc ngoài khơi thành 3 ca, đảm bảo có một ca sản xuất ngoài biển, một ca túc trực ở TP HCM và một ca ở Vũng Tàu sẵn sàng thay thế nếu trên giàn có trường hợp nhiễm Covid-19. Thời gian làm việc trên giàn cũng như đổi ca sẽ lâu hơn bình thường (4 - 5 tuần hoặc cho đến khi hết dịch) thay vì 3 tuần như bình thường.
Cùng với tiến trình phòng chống dịch Covid-19 của toàn Tập đoàn, Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam (ĐĐK) - Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã thực hiện khoanh vùng an toàn bậc 1 (Zone 0), tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu cách ly để bảo vệ khu vực điều hành trọng yếu cho toàn bộ hệ thống khí cả nước.
Trong hàng rào ngăn cách 24/7, cuộc sống làm việc vẫn diễn ra liên tục, đề cao trách nhiệm và sự hy sinh cho dòng năng lượng quốc gia. Trung tâm ĐĐK được xác định là “Vùng đảm bảo an toàn tuyệt đối” - Zone 0 trong mức an toàn công trình khí.
Theo quy định, Zone 0 là “Vùng bất khả xâm nhập” nhằm đảm bảo cách ly tuyệt đối với dịch bệnh. Kể từ ngày 1/6 đến nay, Zone 0 - Trung tâm ĐĐK đã thực hiện cách ly 45 ngày (là sự kiện chưa từng có), thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo và nhân sự của Trung tâm ĐĐK thực hiện chia ca làm việc, sống tách biệt theo thời gian biểu “trực chiến”.
Trong bối cảnh đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch; đặc biệt, đã yêu cầu các đơn vị, nhà máy triển khai việc cách ly trong nhà máy đối với toàn bộ đội ngũ vận hành, bảo dưỡng.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà máy, cơ sở sản xuất
Khu vực nghỉ ngơi, cách ly của CBCNV tại hội trường Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các nhà máy, cơ sở sản xuất trong tình hình mới, các Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau cũng nâng mức độ phòng chống dịch với việc cách ly tập trung cho toàn bộ nhân lực vận hành, bảo dưỡng tại chỗ, đảm bảo hoạt động SXKD thông suốt trong bối cảnh thị trường phân bón đang khan hàng, sốt giá.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, từ ngày 31/5, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, quyết định vận hành nhà máy theo chế độ Level 2.
Theo đó, hầu hết CBCNV khối hành chính sẽ làm việc online tại nhà. Đối với CBCNV khối vận hành sản xuất, phân ca theo hình thức 2 ca 4 kíp (mỗi kíp 40 người) - 1 kíp làm việc, 1 kíp nghỉ ngơi và thực hiện cách ly ngay tại hội trường nhà máy trong thời gian chờ đổi ca, còn 2 kíp được chia ra cách ly tại khách sạn ở TX Phú Mỹ và ở TP Vũng Tàu để đảm bảo giãn cách, giảm rủi ro trong phòng dịch.
Phương án này nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như giúp cân bằng trạng thái tâm lý, tư tưởng, sức khỏe cho CBCNV sau những ngày làm việc, cách ly tập trung.
Còn Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau - PVCFC quán triệt nguyên tắc “nhiều vòng nhiều lớp” từ nhà máy đến nhà công vụ để không bỏ sót bất kỳ mối nguy nào.
Theo đó, một khu cách ly được lập ngay tại nhà máy, tập trung đội ngũ đảm bảo vận hành hệ thống xuyên suốt, sản xuất đều đặn song song kiểm soát dịch bệnh, tránh ca nhiễm phát sinh.
Người lao động BIENDONG POC được tư vấn, kiểm tra y tế trước khi tiêm vắc-xin COVID.jpg
Tại cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã có sự phối hợp khoa học, nhuần nhuyễn để đạt hiệu quả tốt nhất. Theo đó, sẽ đóng cửa toàn bộ các khu vui chơi thể thao; thực hiện giãn cách 14 ngày đối với toàn thể cư dân sinh sống tại khu nhà; các nhân sự hỗ trợ (bảo vệ, tài xế…) cũng được cách ly ngay trong khu nhà công vụ. Cùng đó, chuyển sang hình thức làm việc online ngoại trừ một số nhiệm vụ chuyên môn đặc trưng…
Lãnh đạo BSR kiểm tra khu vực ăn nghỉ của CBCNV trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Tại Quảng Ngãi, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) thiết lập quy trình “bong bóng” làm việc - sinh hoạt khép kín, đảm bảo cho nhân sự vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn với đại dịch.
Theo đó, hơn 1.000 nhân sự vận hành sản xuất và các ban chức năng thuộc khối Nhà máy sau mỗi giờ làm việc theo ca kíp sẽ được phục vụ ăn uống tại căng-tin rồi trở về khu tập trung nghỉ ngơi, được bố trí trong văn phòng nhà máy.
Tất cả sinh hoạt của các nhân sự chủ lực được gói gọn trong khuôn viên khu hành chính nhà máy; không ai ra khỏi khu vực nhà máy trong vòng 21 ngày hoặc đến khi có thông báo mới.
Song song với thực hiện phương châm “ba tại chỗ”, Petrovietnam và các đơn vị cũng tích cực phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng để nhanh chóng tiếp cận và triển khai tiêm vắc-xin cho các cán bộ, nhân viên, người lao động; đặc biệt đối với lực lượng lao động trực tiếp tại các công trình dầu khí, nhà máy, dự án. Đến nay, Petrovietnam đã triển khai an toàn việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho gần 1 vạn lượt CBCNV, kể cả lao động là chuyên gia nước ngoài.
Tại giao ban tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới của Tập đoàn và các đơn vị là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh phối hợp, tìm nguồn vắc-xin để tiêm cho CBCNV trong toàn Tập đoàn vì mục tiêu an toàn cho người lao động, an toàn SXKD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận