Cuộc họp Giao ban CEO tháng 11/2022
Tại cuộc họp giao ban về công tác sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 10, Petrovietnam đã về đích chỉ tiêu quan trọng nhất của Tập đoàn là sản lượng khai thác dầu thô năm 2022. Tập đoàn cũng nỗ lực cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần cùng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp nhà nước khác đảm bảo an ninh xăng dầu trong nước trước ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng trên thế giới.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Hoạt động SXKD an toàn, ổn định, tăng trưởng cao
Trong bối cảnh đầy biến động, ý thức vai trò, trách nhiệm của mình, Petrovietnam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động SXKD diễn ra an toàn, ổn định, góp phần quan trọng bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng.
Cụ thể, Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch (KH) khai thác dầu thô cả năm trước 2 tháng 9 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 22/10), tính chung 10 tháng đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% KH cả năm 2022 và tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2021 (bằng 99,4%).
Sản lượng khai thác dầu về đích sớm do các mỏ khai thác chủ lực đã duy trì nhịp độ khai thác với hệ số uptime cao; công tác quản trị sản lượng, các giải pháp kỹ thuật được áp dụng liên tục, đồng bộ và kịp thời.
Cùng với đó là công tác phát triển mỏ được triển khai tích cực. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Petrovietnam đã đưa 04 mỏ/công trình vào khai thác gồm: Giàn RC-10 mỏ Rồng và giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm, mỏ H4 Bắc Bunga Orkid FO; mỏ Đại Nguyệt. Bên cạnh đó, sản xuất khí, điện, đạm, xăng dầu và các sản phẩm khác đều tích cực, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, góp phần cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vào lúc 8h ngày 28/10/2022, giàn khai thác Cá Tầm 2 (CTC-2) thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12 đã chính thức khai thác dòng dầu đầu tiên
Với những nỗ lực trong sản xuất và điều hành kinh doanh, trong 10 tháng đầu năm năm 2022, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 782 nghìn tỷ đồng, vượt 40% KH cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, vượt 74% KH năm 2022, tương đương với thực hiện cả năm 2021 (112,5 nghìn tỷ đồng).
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Hòa Bình
Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã công bố ngành Dầu khí có 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải VIFOTEC năm 2021. Tập đoàn tiếp tục tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hưởng ứng và tham gia tháng “Vì người nghèo” do MTTQ Việt Nam phát động tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Cà Mau, Quảng Ngãi,...; tổ chức ngày làm thêm để tạo nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động ASXH của Tập đoàn.
Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2022 đến nay xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân đóng cửa ngừng bán do nguồn cung khan hiếm và nguồn hàng nhập khẩu không dồi dào. Trong tình hình đó, Petrovietnam đã nỗ lực cung ứng tối đa cho thị trường. Sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) tháng 10 đạt 581,4 nghìn tấn, vượt 8% KH tháng, tính chung 10 tháng đạt 5,74 triệu tấn, vượt 9% KH 10 tháng và bằng 93% KH năm, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021; Bao tiêu sản phẩm lọc dầu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tháng 10 đạt 648 nghìn tấn, vượt 15% KH tháng, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ 2021.
Người lao động tại cảng chế tạo của PTSC
Dự báo nguồn cung xăng dầu trên thị trường tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm, đặc biệt là để phục vụ nhu cầu tăng lên vào dịp lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, Petrovietnam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Tập đoàn triển khai kế hoạch sản xuất, phân phối xăng dầu nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng.
Nỗ lực hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022, tạo đà cho năm 2023
Các điểm cầu giao ban trực tuyến
Chỉ đạo nhiệm vụ SXKD trong những tháng còn lại của năm 2022, Tổng Giám đốc Petrovienam Lê Mạnh Hùng đề nghị Tập đoàn, các đơn vị tập trung: Nhận diện, đánh giá các rủi ro trong tình trạng khủng hoảng thị trường vốn hiện nay, vấn đề liên quan về tín dụng, lạm phát, tỷ giá.
Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị đánh giá tác động của khủng hoảng năng lượng toàn cầu đến thị trường trong nước để đưa ra những giải pháp kiểm soát, quản trị rủi ro trong toàn Tập đoàn; Tập trung chỉ đạo toàn diện thực hiện các chỉ tiêu SXKD trong toàn Tập đoàn để hoàn thành cao nhất kế hoạch đề ra, tiếp tục tăng trưởng, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023; Đảm bảo công tác sản xuất, kinh doanh, dự trữ xăng dầu, góp phần cùng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp nhà nước khác ổn định thị trường xăng dầu.
Ngoài ra, các đơn vị phải rà soát, thúc đẩy công tác đầu tư, đặc biệt là triển khai các dự án lớn sắp tới; Hoàn thành xây dựng Danh mục sản phẩm dịch vụ chiến lược để có định hướng, kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp, gia tăng hiệu quả sử dụng tài sản; Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi; Rà soát thực hiện các chuỗi giá trị năm 2022, triển khai các chuỗi giá trị cho năm 2023, đặc biệt là chuỗi về hóa chất; Phê duyệt kế hoạch SXKD cho đơn vị, khối SXKD và kế hoạch quản trị năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận