Thày Văn Như Cương trong giờ nghỉ với học trò trường Lương Thế Vinh ( ảnh: Bùi Văn Sơn) |
Tuần qua, clip hơn 3.000 học sinh ngồi tại sân trường Lương Thế Vinh hát bài ca truyền thống gửi tặng thày giáo Văn Như Cương, với lời cầu chúc mong thày mau khỏe đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Như một phép màu, tình yêu của học trò đã khiến sức khỏe người thày tiến triển tốt hơn sau những giờ hôn mê...
Gửi tình cảm của trò qua clip
Nói về ý tưởng làm clip tặng thày Văn Như Cương, em Lâm Văn Tùng, cựu học sinh Lương Thế Vinh, chia sẻ: “Nghe tin từ cô Na, con gái thày Cương, chúng em biết thày bị ốm nặng. Dù rất muốn nhưng chúng em không thể vào viện thăm vì thày đang mệt. Bắt nguồn tình cảm dành cho thày và mái trường, nhóm gồm 5 cựu học sinh, tối thứ 6 nảy sinh ý tưởng thì sang thứ 7 phát động quay clip và đã được toàn trường ủng hộ”. Chỉ với hai máy ảnh cơ và ba cựu học sinh hướng dẫn, clip đã được thực hiện rất nhanh mà không cần tập duyệt nhiều. “Tin thày khỏe lại sau khi xem clip khiến chúng em rất vui vì mục đích tâm nguyện của mình đã đạt được” Tùng chia sẻ.
Khi được hỏi về thày Văn Như Cương, lứa học sinh mới của trường Lương Thế Vinh đều có cảm giác chung tiếc nuối khi không trực tiếp được thày giảng dạy nữa. Tuy nhiên, ấn tượng về hình ảnh vị thày giáo có bộ râu dài bạc phơ như ông tiên trong chuyện cổ tích vẫn in sâu trong tâm trí học sinh. Trong mỗi dịp khai giảng, lễ tết, bài phát biểu của thày Cương dường như bao giờ cũng là nội dung được học sinh trường Lương Thế Vinh mong đợi nhất. “Từng bài phát biểu của thày đều rất xúc động bởi chứa đựng những lời răn đầy ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống học trò chúng em” Tùng nhớ lại.
Còn đối với thế hệ cựu học sinh Lương Thế Vinh ra trường từ hơn chục năm về trước, nhắc tới thày Cương là nhắc tới những tiết hình học thú vị. Dù chỉ được học duy nhất 1 tiết do thày Cương đứng lớp nhưng anh Lương Thế Việt, cựu học sinh niên khóa từ 1999-2002, tới giờ vẫn không thể nào quên: Thày vào lớp thông báo dạy thay 2 tiết nhưng chỉ có thời gian dạy 1 tiết. Thày đặt câu hỏi: “Có bạn nào biết thế nào là "điểm" – "point”? Cả lớp ngồi im! Thày đặt câu hỏi tiếp: “Thế nào là "đường" – "line?”. Có người xung phong và thày lắng nghe học sinh định nghĩa. Đến câu hỏi thứ 3: “Thế nào là "mặt phẳng" – "flat”?. Lại có một vài câu trả lời và thày chăm chú lắng nghe. Sau đó, nhiều học sinh trong lớp ngồi ngẩn tò te vì học đến lớp 11 mà không hiểu được khái niệm ngày ngày vẫn dùng.
Ngẫm về tiết học đặc biệt ấy, sau này, anh Việt mới tìm được đáp án: “Thực ra, thày muốn tiết học đó giúp học sinh có được cách suy xét các vấn đề khác nhau của cuộc sống. Từ những việc đơn giản đến phức tạp người ta đều có thể tìm được nguyên nhân - kết quả”.
Một cựu học sinh khác, chi Phạm Việt Phương Linh, học Trường Lương Thế Vinh từ 1997-2005, cũng không thể quên hình ảnh thày giáo già hay đi lang thang trong sân trường trong những giờ giải lao. “Mỗi lần gặp học trò đang ngồi chơi, thày lại gần và thường kể chuyện hoặc đố vui về toán, ngôn ngữ. Có lần mình được thày đố từ đơn nào dài nhất?... Cách nói chuyện của thày không hề áp đặt, rất gần gũi thân thiện và luôn khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, cảm giác như người cha già hiền hậu mẫu mực vậy”, chị Linh chia sẻ.
Dành hết tình yêu cho học trò
“Giáo viên trong trường vẫn thường nói thày Cương là lãnh tụ tinh thần của trường Lương Thế Vinh”, thày giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên toán trường Lương Thế Vinh, mở đầu câu chuyện về người thày đáng kính của mình.
“Cách đây ít hôm, tôi vào viện thăm thày. Lúc này, thày đang rất mệt, nói rất nhỏ nhưng ngay khi nghe thông báo có đoàn học sinh tới thăm, thày đã yêu cầu người nhà dựng ngồi dậy để tiếp các em. Ngoài những bông hoa tươi thắm, các em còn mang cả thùng đựng hàng ngàn con hạc giấy do chính tay học sinh Lương Thế Vinh gấp tặng với lời cầu nguyện mong thày sớm khỏe lại. Thày vui và xúc động lắm, giọng nói sang sảng lại cất lên, bữa đó thầy cũng ăn được nhiều hơn một chút”, thày Tùng kể.
Còn nhớ năm 1994, thày Tùng khi đó là cậu học trò ở Kim Động, Hưng Yên, vừa tốt nghiệp cấp II, đã quyết tâm khăn gói một mình lên Hà Nội tìm chỗ trọ để dự thi vào Lương Thế Vinh. “Từ hồi học cấp II, qua những giáo viên của mình, tôi đã được nghe tiếng thày Cương và quyết tâm phải thi đỗ bằng được. Ngày đó, Lương Thế Vinh là trường duy nhất tại Hà Nội nhận hồ sơ học sinh ngoại tỉnh như tôi. Có lẽ từ chính hoàn cảnh xuất thân khó khăn của mình, ở một làng nghèo đất hiếu học Nghệ An, nên thày Cương luôn cố gắng tạo ra môi trường học tập bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho tất cả đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp biến cố bất ngờ, thày Cương đều dành sự quan tâm hỗ trợ kịp thời” thày Tùng chia sẻ.
Lợn nuôi PGS Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, đồng lương Phó tiến sỹ khi ấy của PGS Văn Như Cương chẳng đủ ăn. Vì thế, gia đình ông đã quyết định cải thiện cuộc sống bằng cách nuôi lợn. Nói là làm, ông cho quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng. Do mát tay nên lợn ông nuôi lớn nhanh như thổi. Sau mỗi lần xuất chuồng thì kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiến sỹ thời đó, nên ông thường nói vui: “Trong nhà có hai phó tiến sỹ. Một phó tiến sỹ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn”. Còn một giai thoại khác kể rằng: Lần đó ban quản lý tập thể đến lập biên bản phạt ông vì để lợn gây ồn ào và mất vệ sinh, biên bản có đoạn: “PGS Văn Như Cương nuôi một con lợn…”, ông nhất định không chịu ký yêu cầu phải sửa lại: “Con lợn nuôi PGS Văn Như Cương…”. |
Nhớ lại những khóa tuyển sinh đầu của Lương Thế Vinh, dù rất bận với công việc nghiên cứu, viết sách, thày Cương vẫn liên tục tranh thủ đứng lớp. “Thày yêu quý học sinh lắm. Ngay cả sau này, khi đã hơn 70 tuổi, sức đã yếu, thày vẫn túc tắc dạy, với mục đích chính là tranh thủ tiếp xúc với học sinh, nghe tâm tư của các em... để có những điều chỉnh cho phù hợp”,
Tình yêu thương học trò của thày Cương thể hiện ngay ở cách chọn lựa giáo viên giảng dạy tại Lương Thế Vinh. Ngoài vòng xét tuyển hồ sơ, kinh nghiệm dạy học, tất cả giáo viên trước khi về trường công tác còn phải qua một buổi phỏng vấn trực tiếp với thầy Cương. “Thày luôn đặt những câu hỏi để kiểm tra người giáo viên có tình yêu, sự quan tâm tới học sinh hay không”, thày Tùng kể.
Khi được hỏi, tại sao lại chọn nghề sư phạm, và lại chọn đúng nơi công tác là trường đã từng theo học, thày Tùng lắng giọng: “Đó cũng là câu mà thày Cương đã hỏi tôi trong buổi phỏng vấn đầu tiên trở lại trường. Còn nhớ, ngày là học sinh, tôi đã được nghe thày Cương đọc bài thơ do chính thày sáng tác:
“Các em vào Đại học thày vui!
Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi!
Ít em mong muốn vào sư phạm.
Ai sẽ thay thày lúc mấy mươi?”
Hình ảnh đẹp về thày Cương đã nuôi dưỡng ước mơ của tôi. Và cũng chính những vần thơ ấy đã thôi thúc tôi đạt được ước mơ!”, thày Tùng chia sẻ.
Nói về phương pháp sư phạm của PGS Văn Như Cương, người học trò, giờ đây là đồng nghiệp của thày nhận định: “Thày có phương pháp sư phạm tuyệt vời, luôn biến cái phức tạp thành đơn giản. Trong lời giảng luôn có sự liên hệ với thực tế, biến những thuật toán thành những câu đố vui, những câu chuyện gần gũi trong đời sống, thậm chí thành trò chơi khiến học sinh hứng thú, dễ học, dễ hiểu.”
Là trường tư thục đầu tiên của cả nước, Lương Thế Vinh cũng nổi tiếng bởi chủ trương: “Dạy thật, học thật”, do chính thày Văn Như Cương đề ra.
Để chống bệnh thành tích, người hiệu trưởng ấy không hô hào bằng khẩu hiệu mà đi vào ngay trong từng việc làm hành động, thể hiện tất cả bằng chính chất lượng đầu ra của học sinh. Tư duy giáo dục ấy ảnh hưởng sâu sắc tới cách làm việc của toàn thể giáo viên trong trường. “Thày Cương không cổ vũ giáo viên soạn chung giáo án, nếu dạy 5 lớp cùng 1 khối thì cũng phải soạn 5 giáo án khác nhau, cập nhật trong mỗi tiết dạy. Hơn hết, thày vẫn luôn nhấn mạnh: Giáo án rõ nhất là ở trong đầu của giáo viên”, thày Tùng cho hay.
Có thể nói, tư tưởng giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, phấn đấu tất cả vì học sinh đã được PGS Văn Như Cương áp dụng triệt để tại Lương Thế Vinh. Đây cũng là trường đầu tiên thực hiện đánh giá giáo viên qua học sinh. Định kỳ mỗi năm, nhà trường phát phiếu đánh giá giáo viên tới từng học sinh. Ngoài ra, Trường cũng khảo sát bất chợt ý kiến học sinh về chất lượng giáo viên. Đây là những kết quả quan trọng quyết định giáo viên có tiếp tục được giảng dạy ở trường hay không!
Không những là con người kỷ luật, nghiêm minh, thày Cương còn là tấm gương về lối sống giản dị, chân thành. “Có lần, chắc do mải bận việc, thày ngồi sau xe máy một đoạn đường ngắn mà không đội mũ bảo hiểm. Học sinh nhìn thấy và phản ánh lại, thày đã thành thật nhận lỗi ngay và xin rút kinh nghiệm”, thày Tùng kể lại.
PGS Văn Như Cương, sinh năm 1937 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1989, ông đã đứng ra thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, một trong những trường dân lập đầu tiên của cả nước. Năm 2014, GS đón hung tin mắc bệnh ung thư gan. Với tinh thần lạc quan chữa trị, chống lại bệnh tật, đã có thời gian sức khỏe của GS phục hồi tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây, GS đang phải nhập viện điều trị do bị tràn dịch màng phổi. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận