Cái chết của Quỳnh Dao sắc sảo và có ý thức triết học rõ ràng
Ở tuổi 86, nhà văn tự quyết định cách bà qua đời vào ngày 4/12. Theo truyền thông Đài Loan (Trung Quốc), bà mặc chiếc váy màu đỏ và bình thản khi rời cõi tạm. Tuy nhiên, phía gia đình bà chưa xác nhận thông tin trên.
Trong video cáo biệt người thân và khán giả, bà dùng ba hình ảnh để tổng kết cuộc đời chính mình: Ngọn lửa, hoa hồng đỏ và hoa tuyết.
Những hình ảnh này cũng xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết, tản văn lẫn những câu nói đăng trên mạng xã hội của bà. Năm 2017, nhà văn viết: "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".
Trò chuyện với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, con người nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng, đều phải trải qua cái chết vật lý. Thế nhưng cái chết của Quỳnh Dao rất đặc biệt.
"Quỳnh Dao lựa chọn chết. Vì cảm thấy mình sống đã đủ, bà muốn chấm dứt tất cả những đau khổ, sân si của số phận. Bà ấy đã lập trình sẵn cho cái chết của mình.
Chính vì vậy bà mới có những lời dặn dò các con với giọng thống thiết nhưng rất lý tính: 'Xin đừng khóc, đừng buồn, đừng tiếc thương cho tôi. Tôi đã 'bay đi' rồi!
'Bay đi' là cụm từ yêu thích nhất của tôi, bởi nó tượng trưng cho một cuộc hành trình độc lập, nhẹ nhàng, thanh thoát và bay bổng. Tôi đã thoát khỏi cuộc đời trần thế đau thương này và đã hóa thành một bông tuyết nhẹ nhàng bay đi".
Sự ra đi của bà rất sắc sảo và có ý thức triết học rõ ràng. Đó là điều không phải ai cũng có thể quyết định được. Tôi thấy thán phục quyết định sáng suốt này", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Được biết, trước khi ra đi, nữ sĩ dặn dò các con không cần thực hiện bất kỳ nghi thức tôn giáo nào.
Nhà văn Quỳnh Dao mong muốn sau khi qua đời, các con hãy hỏa táng, không đăng cáo phó, không tổ chức tang lễ, không mở linh đường và không đưa tang.
Bà muốn mọi thứ được thực hiện một cách đơn giản nhất, không làm phiền bất kỳ ai, đặc biệt là những người yêu mến mình.
Tâm nguyện này của Quỳnh Dao khiến PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhớ đến hình ảnh của nhiều văn, nghệ sĩ lẫy lừng của Việt Nam.
Theo bà, Quỳnh Dao sinh năm 1938, năm Mậu Dần. Những người cầm tinh con hổ đều có tính cách mãnh liệt. Ở Việt Nam, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang cũng tuổi Dần.
"Sinh thời, ông từng ở nhà chỉ để xem bóng đá. Trước cửa nhà ông còn có tấm bảng ghi: 'World cup mời vào xem. Công việc mời ra ngoài'.
Đó không phải lựa chọn của một người lười lao động mà là sau khi người ta đã có quãng thời gian lao động hăng say, nhiệt huyết. Hơn nữa, trong nghệ thuật bóng đá có rất nhiều kịch tính, chiến thuật mà chính ông đã học được rất nhiều và thể hiện trên sân khấu.
NSND Thành Tôn (bố NSƯT Thành Lộc) cũng từng có quan điểm tương đồng với Quỳnh Dao. Ông cấm mọi người khóc thương, phải cười trong đám tang của mình. Ông cho rằng nụ cười khiến mọi việc nhẹ bẫng đi, khiến cho con người khoan khoái. Trong khi đó, cái chết chỉ là cách ông kết thúc cuộc đời nghệ sĩ của mình.
Và đúng là như vậy khi các con của ông ra đón khách, ai cũng cười. Ngoài ra, ông cũng không cho phép các con nhận tiền phúng điếu trong tang lễ của mình", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho hay.
Quỳnh Dao ra đi, khoảng trống để lại
Còn nhớ, những năm 1908-1990, tình yêu lãng mạn trong truyện và phim Quỳnh Dao từng làm mưa làm gió làng văn học, phim ảnh Hoa ngữ. Nữ văn sĩ cũng được mệnh danh "bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình" Trung Quốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói rằng, những tác phẩm của Quỳnh Dao, không chỉ người Trung Quốc mà người Việt Nam cũng rất thích như: "Tân dòng sông ly biệt", "Hoàn Châu cách cách".
Đáng nói, những diễn viên đóng "Hoàn Châu cách cách" dù không có những kỷ niệm tốt với Quỳnh Dao nhưng khi bà ra đi họ vẫn tưởng nhớ, xúc động. Trước đó, họ vẫn yêu tác phẩm và biết cách hóa thân, đưa nhân vật trong tác phẩm của bà trở thành một nhân vật sống động, "bằng xương bằng thịt".
Lâm Tâm Như từng bị Quỳnh Dao đưa ra một loạt nhận xét chê bai nhan sắc như da tối màu, không đẹp, không toát lên vẻ ôn nhu. Ngoài ra, Quỳnh Dao còn thể hiện sự nghi ngờ với diễn xuất của Lâm Tâm Như và từng có ý định thay diễn viên khác đóng vai Hạ Tử Vi trong "Hoàn Châu cách cách".
Sau đó vì đạo diễn Tôn Thụ Bồi phản đối và Lâm Tâm Như phải nhờ người nói giúp thì mới giữ được vai Hạ Tử Vy.
Nhưng khi được hỏi về sự ra đi đột ngột của nhà văn Quỳnh Dao, Lâm Tâm Như lại nghẹn ngào, không nói thành lời. Khi lấy lại bình tĩnh, nữ diễn viên 48 tuổi chia sẻ Quỳnh Dao là ân nhân đầu tiên trong cuộc đời mình, giúp cô có được vị trí như ngày hôm nay.
Còn Triệu Vy lần đầu đăng tải bài viết về Quỳnh Dao, trên Weibo sau 3 năm bị cấm sóng: "Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng, thị phi thành bại theo dòng chảy. Núi xanh muôn vẹn cũ, bao độ ánh chiều hồng".
"Sự ra đi của Quỳnh Dao đã để lại một khoảng trống không chỉ với những người cộng sự, khán giả mà còn là khoảng trống trong khu vực bà đã chiếm lĩnh. Thực tế, chưa ai có thể làm được như những gì Quỳnh Dao đã làm được trong các tác phẩm văn chương, kịch bản thuộc chủ đề tình yêu lãng mạn", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Tính nữ trong tác phẩm của Quỳnh Dao
Một điều đặc biệt, thấm đượm trong các tác phẩm của Quỳnh Dao - một nữ sĩ tuổi Dần đó là tính nữ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, những người phụ nữ tuổi Dần, mà lại là học nữ thường yêu vô cùng cuồng nhiệt, mãnh liệt như một khát vọng sống. Chính vì vậy, tính nữ trong tác phẩm của họ rất mạnh mẽ.
"Quỳnh Dao khát khao yêu. Có lẽ, lúc quyết định chết, bà đã nghĩ rằng mình sẽ đi về phía người mình yêu, là chồng của bà. Tình yêu của bà đến phút cuối vẫn không thay đổi.
Bà viết: 'Hay là vì thời tiết chuyển lạnh, hay là vì phía sau núi có tiếng chim liên tục gọi, nghe như chim đang nói 'chi bằng đi về thôi'. Mấy hôm nay, em thực sự rất nhớ anh'.
Quỳnh Dao chưa bao giờ không được thỏa mãn trong tình yêu. Cảm xúc ấy đã được bà gửi vào thân phận của những người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Bà cũng từng có cuộc sống đầy tình yêu với người chồng quá cố.
Dù ở hoàn cảnh nào, khát khao về hạnh phúc chẳng phải là khát khao lớn nhất của tất cả những người đàn bà, cả cầm bút lẫn, không cần bút sao?!", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bộc bạch.
Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938, nguyên quán ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như.
Năm 9 tuổi, Quỳnh Dao đã bắt đầu sáng tác, năm 16 tuổi bà cho ra mắt bộ tiểu thuyết đầu tay "Vân ảnh". Năm 24 tuổi, bà đã có gần 100 tập truyện ngắn cùng hai bộ tiểu thuyết "Tầm mộng viện" và "Hạnh vận thảo".
Sau này, bà tiếp tục ra mắt tác phẩm văn chương ái tình diễm lệ: "Song ngoại", "Kỷ độ tịch dương hồng", "Bên dòng nước", "Mùa thu lá bay", "Mỏi mắt ngóng trông", "Hoàn Châu cách cách", "Yên vũ mông mông" ("Dòng sông ly biệt")... Trong đó, nhiều tác phẩm còn được chuyển thể thành phim.
Quỳnh Dao qua hai đời chồng, bà có con trai với người chồng thứ nhất. Sau khi ly dị, bà trải qua 8 năm làm người thứ ba trong hôn nhân của ông Bình Hâm Đào. Sau đó, bà kết hôn với ông Bình Hâm Đào. Cả hai không có con chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận