An ninh hình sự

Phá đường dây sản xuất và mua bán súng quy mô lớn ở Kiên Giang

24/09/2022, 12:32

Khi khám chỗ ở các đối tượng, công an thu giữ 84 khẩu súng, hơn 300 viên đạn…

Ngày 24/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 10 người trong đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

img

Cao Văn Hoài và tang vật khi bị bắt giữ.

Đó là Dương Minh Tuấn (SN 1992), Cao Văn Hoài (SN 1995), Lưu Tấn Đạt (SN 1987), Phan Văn Tính (SN 1981), Khưu Thanh Tùng (SN 1993) - cùng ngụ TP Rạch Giá; Võ Ngọc Trăm (SN 1996, vợ Cao Văn Hoài, ngụ huyện An Minh); Trần Văn Năng (SN 1983, ngụ huyện Giồng Riềng) - cùng tỉnh Kiên Giang.

Những người còn lại là Trần Ngọc Thuận (SN 1987, ngụ huyện Hòn Đất); Phương Hữu Nhân (SN 2000, ngụ huyện Châu Thành) - cùng tỉnh Kiên Giang và Phạm Văn Giàu (SN 1998), ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau về tội chế tạo, tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng.

img

Dương Minh Tuấn, Cao Văn Hoài, Võ Ngọc Trâm (bên trái qua) được xác định là 3 kẻ cầm đầu trong dây chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Theo kết quả điều tra, từ cuối năm 2021, trên địa bàn TP Rạch Giá và một số huyện lân cận trong tỉnh Kiên Giang xuất hiện nhiều đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội sử dụng, tàng trữ vũ khí.

Những người này sở hữu các loại súng có tính năng như vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, hung khí đề giải quyết mâu thuẫn, bảo kê các điểm tệ nạn xã hội. Từ đó gây hoang mang, lo lắng trong người dân.

Trước tình hình trên, đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự có dấu hiệu mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.

img

Tang vật được thu giữ tại nhà Tuấn.

Qua rà soát, các trinh sát thấy nổi lên nhóm đối tượng chế tạo, mua bán vũ khí (súng) do Dương Minh Tuấn (không có nghề nghiệp ổn định, có 2 tiền án về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy), có biểu hiện nghi vấn mua các loại súng, công cụ hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.

Sau đó, Tuấn tự chế tạo, sửa chữa, nâng cấp thành súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Trong đó, Tuấn đặt mua các loại súng của Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trâm.

Để cải tạo súng có độ sát thương và chính xác cao, bán được nhiều tiền, Tuấn đã đặt Trần Văn Năng tiện, cắt các linh kiện, thiết bị để chế tạo, cải tạo súng, như: nòng súng, cò, kim hỏa, ốp tay súng...

Sau khi cải tạo thành công, Tuấn bán lại cho nhiều đối tượng trên địa bàn TP Rạch Giá, Phú Quốc, huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên...

img

img

Súng, đạn được thu giữ tại phòng trọ của Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trâm.

Với những chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang nhận định, đường dây chế tạo, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ với số lượng đặc biệt lớn này có liên quan đến nhiều đối tượng, nhóm tội phạm ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh. Nếu không kịp thời đấu tranh ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và gây ra những hậu quả khó lường.

Từ đó, đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án trinh sát.

Tập trung lực lượng và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động, bắt xử lý các đối tượng trong đường dây này. Trong đó, trung tá Trương Sa My, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kiên Giang trực tiếp chỉ huy.

Qua nhiều ngày bám sát địa bàn, đối tượng, đến ngày 22/8/2022, Ban chuyên án quyết định phá án với sự tham gia hỗ trợ trực tiếp của lực lượng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, tổ chức bắt, khám xét nơi ở 10 đối tượng trên.

img

Chiếc máy tiện của Năng dùng để tiện, cắt các linh kiện, thiết bị để chế tạo, cải tạo súng cho Tuấn.

Qua đó, thu giữ 84 khẩu súng các loại, hơn 300 viên đạn các loại, 365 ống kim loại chứa CO2, 1 roi điện. Đồng thời phát hiện 1 máy tiện chuyên dụng và một số thiết bị, máy móc phục vụ việc chế tạo, cải tạo các loại súng bắn đạn bi, đạn thể thao thành súng có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.

Theo kết quả giám định, trong 84 khẩu súng được thu giữ thì có 11 khẩu súng là vũ khí quân dụng, 14 khẩu súng là công cụ hỗ trợ.

Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Trong đó, Dương Minh Tuấn khai nhận đã mua súng của Hoài và Trâm, sau đó cải tạo (có tính năng sát thương và độ chính xác cao) để bán cho các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội có nhu cầu.

Còn Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trâm thừa nhận đặt mua súng, công cụ hỗ trợ và rao bán các qua trang mạng xã hội Zalo, Facebook cho các đối tượng hình sự ở tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội.

Đường dây chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ do Dương Minh Tuấn, Cao Văn Hoài, Võ Ngọc Trâm cầm đầu đã hoạt động mạnh động, gây nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội.

img

7 người có liên quan, gồm: Đạt, Tính, Tùng, Năng, Thuận, Nhân, Giàu.

Việc xác lập, chuyên án đấu tranh đã kịp thời làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động và bắt giữ, xử lý đúng đối tượng đã thể hiện tinh thần chủ động tấn công tội phạm của lực lượng Công an Kiên Giang, từ đó ngăn chặn kịp thời các đối tượng tội phạm sử dụng vũ khí gây án nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện, Ban chuyên án đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của từng đối tượng. Đồng thời, mở rộng điều tra, xác minh, truy bắt, xử lý các đối tượng còn lại có liên quan, thu giữ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mua bán, tàng trữ trái phép.

Ngoài ra, công an cơ sở sẽ tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có biện pháp tuyên truyền, vận động và đấu tranh, xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.