Chuyện dọc đường

Phá rừng công khai, trách nhiệm của ai?

19/04/2021, 06:13

Cả một diện tích rừng khộp rộng lớn bị quét hết những cây lớn, nhiều diện tích bị đốt phá từ rất lâu và ngày một lan ra rộng.

img

Hiện trường bãi gỗ còn sót lại tại bìa rừng Ia Mơ

Công trình hồ thuỷ lợi Ia Mơr (Gia Lai) được triển khai với quy mô hơn 3.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn một phần diện tích rộng lớn chưa xác định được vùng tưới tiêu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, lưu vực vùng tưới của hồ thuỷ lợi Ia Mơr nằm trọn trong tổng diện tích hơn 8.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có 3.700ha có rừng.

Để chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, tỉnh Gia Lai đã chủ trương lập dự án báo cáo với Thủ tướng trình Quốc hội xem xét thông qua. Tuy nhiên, thông tin chuyển đổi 8.000ha rừng này thành đất nông nghiệp đã “biến” Ia Mơr thành một điểm nóng của phá rừng.

Từ thông tin phản ánh của người dân, PV Báo Giao thông đã trực tiếp có mặt và ghi nhận cả một diện tích rừng khộp rộng lớn bị quét hết những cây lớn. Nhiều diện tích bị đốt phá từ rất lâu và ngày một lan ra rộng.

Trong rừng, tiếng máy cưa rền đặc. Tiếng người gọi nhau dùng xe máy độ chế vận chuyển vào ban ngày như một đại công trường. Cảnh các thanh niên người đồng bào dân tộc chở gỗ ra khỏi rừng rầm rập. Ấy vậy nhưng không có một lực lượng chức năng nào ngăn chặn hoặc kiểm soát, như thể đây là chốn không người!

Thật khó để diễn tả cảm xúc khi trước mắt là cảnh tượng phá rừng với quy mô lớn mà những người tham gia không gặp phải bất cứ sự trở ngại nào!

Sau khi Báo Giao thông phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã giao Công an tỉnh, Sở NN&PTNT và huyện Chư Prông chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ thông tin Báo phản ánh để xử lý nghiêm theo quy định.

Và cho đến chiều 18/4, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều lực lượng chức năng như công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm đã vào cuộc xác minh vụ việc. Do rừng bị phá nhiều nơi nên lực lượng chức năng vẫn đang kiểm tra và thống kê. Điều này càng chứng tỏ diện tích rừng bị phá là rất lớn.

Đặt giả thiết, nếu báo chí không phản ánh, chính quyền địa phương liệu có biết để chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc? Và với chức năng nhiệm vụ của mình, chính quyền cơ sở, lực lượng kiểm lâm vì sao lại không biết việc phá rừng với quy mô rất lớn như vậy đang xảy ra trên địa bàn? Bởi hoạt động rầm rộ đốn cây, những đoàn xe chở gỗ rầm rập, việc người dân đốt rừng làm rẫy giữa ban ngày như vậy đâu phải là những cái kim sợi chỉ để không ai có thể phát hiện?

Việc đốt rừng làm rẫy, phá rừng lấy gỗ đã là rất nghiêm trọng. Nhưng có một điều đáng nói hơn nữa, nếu như diện tích rừng sau này được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, nơi đây sẽ thành một vùng nông nghiệp lớn của tỉnh.

Tuy nhiên, khi đó việc xử lý chắc chắn sẽ rất phức tạp. Bởi ai dám chắc, từ việc buông lỏng quản lý, người dân sẽ chiếm dụng đất rừng và sau này tự nhận là đất “ông cha để lại” rồi đòi đền bù. Khi đó ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Và chịu trách nhiệm thế nào?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.