Bộ Công thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các dự án thủy điện trên cả nước mới thực hiện trồng rừng thay thế được 1.248,92 ha trên tổng số diện tích phải trồng bù rừng là khoảng 19.792 ha.
Hàng ngàn ha rừng đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho thủy điện |
Trước thực trạng tỷ lệ rừng thay thế của thủy điện mới đạt khoảng 6,3% tổng diện tích phải trồng bù, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương và UBND các tỉnh cử các đoàn kiểm tra việc thực hiện trồng bù rừng tại các dự án thủy điện; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư dự án lập phương án trồng bù rừng, bố trí quỹ đất cũng như cách thức thực hiện phù hợp đặc thù từng địa phương, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ trồng bù rừng theo yêu cầu của Quốc hội.
Theo ông Đặng Huy Cường – Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, đến thời điểm này, hầu hết các chủ đầu tư dự án thủy điện chưa thực hiện hoặc mới đang lập phương án trồng rừng thay thế theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư dự án thủy điện chưa được hướng dẫn việc lập phương án, do quỹ đất của địa phương còn hạn chế hoặc đã có chủ trương nhưng còn lúng túng giữa trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong việc bố trí đất thực hiện trồng rừng (về loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ, đơn giá trồng rừng...)
“Có thể lấy kinh nghiệm từ các địa phương trồng bù rừng đạt kết quả cao để nhân rộng mô hình sang các địa phương khác”, ông Lê Hồng Nam – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý tài nguyên nước, Bộ NN&PTNN đề xuất. Bởi thực tế cho thấy, vẫn có những địa phương trồng bù rừng rất tốt như Hòa Bình có 5 dự án thủy điện đã trồng thay thế được 78,5/78,5 ha phải trồng bù; Quảng Nam đạt 655,2/885,3 ha; Lào Cai đạt 179,5/283,25 ha...
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận