Tiểu thương tại chợ Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) “ngóng” người mua - Ảnh: Tạ Hải |
Sau 10 năm những "tổ hợp" này được dựng lên, nhiều chợ truyền thống đã biến mất trong khi thương mại cũng không hoạt động!
Bài 1: Đìu hiu chợ “lên đời”
Hàng chục công trình chợ truyền thống “lên đời” thành trung tâm thương mại (TTTM) đa phần rơi vào tình cảnh sống mòn, thậm chí có nơi đóng cửa, chuyển đổi hoàn toàn công năng.
Trung tâm thương mại Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm ở vị trí đắc địa |
Của một đống bỏ không
Chiều cuối tuần đầu tháng 11, PV Báo Giao thông có mặt ở chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ở tầng hầm B1, nơi kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, quần áo… rộng hàng trăm mét vuông chỉ lác đác một vài khách hàng tới “tham quan”. Nhiều gian hàng, tiểu thương đã đóng cửa sớm từ đầu giờ chiều.
Ngồi chống tay ngóng khách trước quầy thuỷ hải sản của mình, bà Dãnh, tiểu thương đã gần 30 năm buôn bán tại chợ Hàng Da than thở, ở đây sạch sẽ bốn bề, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, mỗi tội “sạch” luôn cả khách! “Khách quen đến chợ một, hai lần rồi cũng không quay lại. Người ta ngại gửi xe, ngại xuống hầm. Cộng thêm chợ cóc, chợ tạm trên đường quá nhiều, họ tiện đâu mua đấy, tội gì phải xuống đây”, bà Dãnh chia sẻ.
Èo uột hơn, tại các cửa hàng phục vụ ăn uống, bà Đào Thị Chiên (53 tuổi), chủ quầy 562 cho biết: “Trước đây, có mấy chục cửa hàng nhưng giờ chỉ còn vài người như tôi cố gắng cầm cự, được ngày nào hay ngày ấy. Nói chung phục vụ tại chợ truyền thống vẫn thuận tiện hơn và khách đến cũng đông hơn”.
Kết quả đánh giá khảo sát của HĐND TP Hà Nội cho thấy, mô hình chợ kết hợp TTTM không những không hiệu quả còn làm mất luôn chợ truyền thống. Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Các mô hình dự kiến kết hợp chợ truyền thống với TTTM sẽ không triển khai nữa mà chỉ xây dựng chợ truyền thống”. Mới đây, Sở KH-ĐT Hà Nội đã công bố 16 dự án chấm dứt hoạt động. Trong đó, bao gồm hai dự án xây dựng chợ, văn phòng và TTTM Nghĩa Tân và TTTM - chợ Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, dự án chợ và TTTM Thành Công lại có quyết định “sẽ tiếp tục được rà soát”. |
Đáng nói, tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh” chỉ diễn ra sau khi chợ Hàng Da được xây lại thành TTTM kết hợp với chợ và đưa vào sử dụng năm 2010 với 5 tầng nổi, 2 tầng hầm (dự án khởi công xây dựng từ năm 2007). Trong khi trước đó, chợ Hàng Da là nơi kinh doanh, tham quan, mua sắm sầm uất nhất nhì Hà Nội!
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Thương mại Hàng Da, cho hay: “Hoạt động đến 8 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa tăng giá bất kỳ loại phí nào và hoạt động theo đúng chính sách của Nhà nước và hợp đồng đã đưa ra. Tuy nhiên, do sức mua giảm nên một số bà con tiểu thương hiện tại đang nghỉ hoặc tạm dừng kinh doanh”.
Cách chợ Hàng Da không xa là chợ Cửa Nam. Sau khi “lên đời” thành trung tâm thương mại từ năm 2010 đến nay, tất cả các ki-ốt bán hàng, chợ rau quả đã dần đóng cửa, dừng hoạt động… Nhìn từ bên ngoài, nhiều người không hình dung nổi trước kia nơi đây đã từng là một khu chợ nổi tiếng đông khách tại đất Hà Thành. Theo một số người dân sinh sống tại đây, chợ Cửa Nam đã hoàn toàn bị “xóa sổ” và tất cả chỉ còn trong quá khứ.
“Chợ Cửa Nam trước đây có những cây cột, cây kèo bằng gỗ rất chắc chắn. Người mua, người bán vô cùng thuận tiện. Riêng cửa hàng bán thức ăn chín có cả một dãy, tấp nập lắm. Lúc dỡ chợ để xây trung tâm thương mại, ai cũng tiếc. Bây giờ chúng tôi chỉ mong được trở lại những ký ức đó, nhưng bao giờ cho đến ngày xưa”, bà Hương, người dân sống gần chợ Cửa Nam nhớ lại.
Khu vực buôn bán tại chợ Cửa Nam đã dừng hoạt động |
Bao giờ trở lại ngày xưa
Được thiết kế, xây dựng hiện đại với 6 tầng nổi và 1 tầng hầm bao gồm hệ thống thang cuốn, trung tâm giải trí… nhưng đến nay, hầu hết các quầy hàng tại chợ Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã dừng hoạt động. Hiện chợ chỉ còn khai thác tại tầng 1 và 2 với các mặt hàng giày dép, túi xách, quần áo… Dù đã treo biển giảm giá lớn nhưng tình hình buôn bán tại quầy thời trang của bà T. vẫn không mấy khả quan.
“Giờ bán chạy hay không cứ nhìn không khí chợ thì biết. Lúc mới vào chợ cũng vui, cũng hào hứng vì được bán tại nơi có cơ sở, điều kiện tốt hơn, hiện đại hơn. Nhiều gia đình còn đưa con đến vừa đi chợ vừa vui chơi, giải trí. Nhưng tất cả chỉ được trong khoảng thời gian đầu, rồi khách mỗi ngày một thưa dần”.
Trái ngược với không khí ảm đạm, đìu hiu tại các chợ - trung tâm thương mại, chiều 3/11, chợ Châu Long (Ba Đình, Hà Nội), luôn nhộn nhịp người vào ra. Trong đó, nhiều vị khách nước ngoài tỏ ra thích thú với những nét đặc biệt, những món ngon đặc trưng của khu chợ được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực” của Hà Nội.
Ngay khi có thông tin UBND TP Hà Nội dừng triển khai dự án chợ - TTTM Châu Long và giao quận Ba Đình nghiên cứu cải tạo theo mô hình chợ truyền thống, đông đảo người dân, tiểu thương rất ủng hộ. Bà Miên (83 tuổi), người gắn bó tại chợ Châu Long gần 40 năm chia sẻ: “Xây lên cao tầng như các chợ khác có ai vào đâu. Ai người ta mua mớ rau 2 nghìn đồng nhưng phải gửi xe 5 nghìn đồng. Tôi chỉ mong muốn chợ Châu Long không phải xây nhiều tầng mà chỉ cần cải tạo, nâng cấp cho đẹp đẽ, khang trang hơn thôi”.
Đồng quan điểm, bà Đào Minh Thu, chủ cửa hàng thực phẩm tươi sống cho rằng: “Với tiểu thương chúng tôi, không ai muốn xây chợ thành TTTM vì bài học thực tế ai cũng nhìn thấy từ mô hình này là không đem lại hiệu quả và đa số tiểu thương đều bỏ nghề. Theo tôi, khách nước ngoài thường thích vào những chợ truyền thống này hơn là TTTM vì bên họ cũng có nhiều mô hình giống như vậy. Những người bán hàng như chúng tôi cũng có thể giới thiệu những nét văn hoá ẩm thực riêng có ở Việt Nam với bạn bè quốc tế”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận