Thời sự Quốc tế

Phá vỡ băng đảng cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu khủng bố trị giá 1,5 tỷ USD

01/04/2021, 10:05

Nhóm của Vương đã ký 3,36 triệu hợp đồng với 475.000 người vay từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019.

img

Các đối tượng bị bắt giữ có liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi của Vương Đào năm 2019.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, một băng nhóm cho vay nặng lãi ở Trung Quốc đã khiến 89 người phải tự tử sau khi nhóm này thuê các công ty đòi nợ quấy rối và đe dọa những người đã vay tiền nhưng không có khả năng trả.

Băng nhóm này do một người đàn ông tên Vương Đào đứng đầu và có trụ sở tại thành phố Lan Châu, thuộc tỉnh Cam Túc, ở Tây Bắc Trung Quốc.

Nhóm của Vương đã ký 3,36 triệu hợp đồng với 475.000 người vay từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019.

Theo sổ sách kế toán được công bố tại phiên tòa, những đối tượng tay chân của Vương đã cho vay một khoản tiền bất hợp pháp lên tới 6,27 tỷ nhân dân tệ (tương đương 960 triệu đô la Mỹ/USD).

Sau khi hưởng lãi từ khách vay tiền, băng nhóm của Vương đã thu về 9,11 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ đô la Mỹ) và sở hữu tổng tài sản khoảng 9,84 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ đô la Mỹ).

Băng nhóm này đã thực hiện nhiều kế hoạch đòi tiền hung hãn kết hợp với mức lãi suất cao ngất ngưởng, được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tự tử của 89 người ở Trung Quốc.

Công ty bất hợp pháp của Vương Đào đã dụ dỗ những người đi vay và khiến những người này không nghi ngờ gì bằng những điều khoản hấp dẫn như “miễn lãi trong bảy ngày” hoặc “lãi suất thấp, cho vay nhanh” trong các hợp đồng.

Tuy nhiên, các hợp đồng này thường leo thang với lãi suất hàng năm từ 1.303% đến 5.214% nếu người vay không thể trả hết nợ một cách nhanh chóng.

Theo Experian, một cơ quan xếp hạng tín dụng, cho biết lãi suất trung bình cho một khoản vay cá nhân kịch trần ngoài “chợ đen” hiện nay ở Trung Quốc là 9,4%.

Các công ty cho vay bất hợp pháp, vốn không có giấy phép của chính quyền, cũng sẽ đưa ra cái mà cảnh sát gọi là "các khoản vay bẫy" - không bao gồm các điều khoản cho việc vỡ nợ, đôi khi dẫn đến việc người vay phải bán những tài sản cuối của họ để trả nợ.

Phóng sự tài liệu của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, “các điều cơ bản của khoản vay giăng bẫy của các chủ cho vay nặng lại được thiết kế để khách hàng không thể trả hết nợ ngay cả khi người vay bị phá sản. Dưới sự ngụy tạo của một hợp đồng cho vay tài chính hợp pháp, mỗi khoản vay bẫy là một món nợ nhuốm máu”.

Công ty lừa đảo của Vương Đào đã thuê 24 công ty đòi nợ quấy rối, đe dọa các nạn nhân và người nhà của họ để ép những người vay tiền phải tìm mọi cách để trả lãi và nợ.

Các nhà chức trách nói rằng sự đe dọa này trực tiếp dẫn đến việc một số nạn nhân buộc phải tự sát.

CCTV ghi nhận trường hợp một nạn nhân ở tỉnh Tứ Xuyên không trả được nợ đã tự tử cùng chồng. Một phụ nữ khác ở Thanh Hải cũng chịu số phận tương tự.

Phóng sự của CCTV đã phát hình ảnh một người đàn ông, trong video clip cuối cùng của mình, nói rằng anh ta muốn "chết để giải tỏa" gánh nặng mà anh ta đã tạo ra.

Hoạt động bất hợp pháp của công ty do Vương Đào điều hành đã không qua được sự theo dõi của các nhà chức trách Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2018 và vào tháng 3 năm 2019, 253 người đã bị bắt giữ trong một cuộc điều tra nhằm vào mạng lưới lừa đảo xuyên khắp ba tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây và An Huy.

Trùm cho vay nặng lãi Vương Đào bị kết án tù chung thân trong khi các tay chân hàng đầu của ông này nhận mức án từ 5 đến 20 năm tù trong một loạt các phiên tòa kết thúc vào tháng 9 năm 2020.

Bản cáo trạng chính thức chống lại Vương chưa được công bố rộng rãi, nhưng các trường hợp khác liên quan đến kế hoạch này đã vẽ nên một bức tranh rõ ràng về cách đối tượng Vương xây dựng đế chế của mình.

Các ứng dụng và trang web do Vương chỉ đạo lập ra và điều hành sẽ thu hút người vay vào nền tảng nơi mà nạn nhân sẽ nhập thông tin cá nhân,cũng như danh bạ điện thoại hoặc các bản ghi âm cuộc gọi điện thoại.

Các nhân viên của Vương Đào thường nhắm đến những đối tượng bị các trang web và ứng dụng của Vương Đào theo dõi.

Một khách vay nợ từ một trong những “công ty” của Vương Đào thường sẽ phải trả nợ ở một công ty khác cũng nằm trong mạng lưới của đối tượng.

Các khoản vay thường buộc người ký hợp đồng phải thanh toán trước hoặc bị khấu trừ 30% “phí dịch vụ”. Vì vậy, nếu ai đó kí một hợp đồng vay 1.000 nhân dân tệ (khoảng 152 đô la Mỹ), họ sẽ chỉ nhận được khoản đặt cọc 700 nhân dân tệ (107 đô la Mỹ).

Sau đó, nếu khoản vay không được thanh toán trong bảy ngày, người vay sẽ bị tính lãi kép hàng ngày 10% dựa trên giá trị hợp đồng nền 1.000 nhân dân tệ (tương đương 152 đô la Mỹ) dù đã bị trừ đi 30%.

Các nhà chức trách cho biết băng nhóm của Vương Đào thường làm giả giấy tờ để nâng giá trị hợp đồng nhằm thu lãi suất cao hơn.

Một nạn nhân cho biết lúc đầu anh ta đã vay 2.000 nhân dân tệ (305 đô la Mỹ) và được yêu cầu đăng ký vay trong các ứng dụng khác để trả khoản vay này, cuối cùng dẫn đến khoản nợ 700.000 nhân dân tệ (107.000 đô la Mỹ).

Người đàn ông cho biết anh ta bị đe dọa gần như hàng ngày và cuối cùng gia đình anh này đã phải bán căn hộ của họ để trả nợ cho băng nhóm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.