Xã hội

Phá vỡ quy hoạch Pleiku: Kiểm toán Nhà nước lại yêu cầu truy trách nhiệm

04/12/2019, 19:51

Thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh Gia Lai lại tiếp tục truy trách nhiệm trong sai phạm phá vỡ quy hoạch đô thị Pleiku.

img
Hiện trường một vụ phân lô tách thửa ở TP. Pleiku.

KTNN yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai xử lý số tiền 1,167 tỉ đồng ngân sách.

Trong đó, có việc yêu cầu Cục thuế tỉnh Gia Lai truy thu gần 260 triệu đồng (tiền thuê đất trên 160 triệu đồng, thuế sử dụng đất nông nghiệp trên 90 triệu đồng).

Giảm dự toán đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai quyết toán kinh phí hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên đối với các công ty lâm nghiệp vượt diện tích rừng được giao (năm 2014) thừa trên 520 triệu đồng...

Giảm giá trị hợp đồng số tiền trên 385 triệu đồng tại hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Diên Phú (trên 310 triệu) và khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh (giai đoạn 1 trên 70 triệu).

Ngày 4/12, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch khắc phục kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước sau khi đơn vị này tiến hành kiểm tra và phát hiện sai phạm trong quản lý, các công ty nông lâm nghiệp và đất đai đô thị giai đoạn 2014 - 2018.

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở TNMT chấn chỉnh công tác thẩm định kế hoạch sử dụng đất hàng năm không căn cứ vào Quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt dẫn đến đất ở đô thị được phê duyệt tại kế hoạch sử dụng đất năm 2018 lớn hơn 341,25ha so với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

Tương tự, trong giai đoạn 2014-2018, Sở Xây dựng đã có nhiều tồn tại trong công tác thẩm định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng của huyện Chư Sê; Sai sót trong việc cấp giấy phép xây dựng khi đơn vị chưa đăng ký biến động đất đai, chưa đủ hồ sơ thủ tục.

Các đơn vị như: UBND huyện Chư Sê, Thị xã Ayun Pa cũng bị truy trách nhiệm liên quan đến thiếu kiểm tra dẫn đến việc xây dựng trái phép nhà ở và cơ sở kinh doanh trên đất nông nghiệp.

Đáng chú ý, qua kiểm tra chuyên đề trên, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện TP. Pleiku không thực hiện đầy đủ việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã phát hiện xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, dẫn đến các phường xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích sử dụng dẫn đến diễn tra trong thời gian dài và có tính phổ biến.

Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra việc cá nhân làm sai trong tham mưu cho UBND TP Pleiku cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở phù hợp với kế hoạch sử dụng đất năm 2018 nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất năm 2020 với diện tích trên 33 ha, với 419 trường hợp.

Liên quan đến phát hiện sai phạm trong quản lý, các công ty nông lâm nghiệp và đất đai đô thị giai đoạn 2014 -2018, KTNN yêu cầu tỉnh Gia Lai kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc UBND TP. Pleiku.

Trước đó, Báo Giao thông đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã ký Kết luận số 2405/KL-UBND, ngày 26/10/2018 về kết quả thanh tra việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn thành phố Pleiku, Gia Lai.

Từ năm 2011 đến 2018, trên địa bàn thành phố Pleiku đã có 21 vị trí tại 10 phường, xã để xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình nhà ở không đúng quy định với diện tích hơn 330.000m2, trong đó phân lô, tách thửa hơn 32,1 ha và san lấp mặt bằng 1,1454ha.

Trong số này, có 351 trường hợp đã chuyển mục đích sang đất ở với diện tích gần 35.000m2 chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng của thành phố Pleiku.

Theo đó, ông Nguyễn Bá Trường, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn, nguyên Trưởng phòng TN-MT TP.Pleiku, bị kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng; tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku và ông Trịnh Duy Thuân, Bí thư Thành ủy, phải kiểm điểm rút kinh nghiệm; khiển trách ông Trần Xuân Quang, Chủ tịch UBND TP.Pleiku; cảnh cáo ông Nguyễn Kim Đại, Phó chủ tịch UBND TP.Pleiku.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.