Những “sạp báo” mới này có thể tiếp cận bạn đọc nhanh và nhiều hơn cả sạp truyền thống nếu biết cách tổ chức”, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung chia sẻ với Báo Giao thông xung quanh câu chuyện làm thế nào để báo chí có thể cạnh tranh được với mạng xã hội.
Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung
Chờ bạn đọc đến với mình sẽ mất bạn đọc
Chưa bao giờ báo chí chịu sự canh tranh khốc liệt của mạng xã hội như hiện nay. Ông có nghĩ đến một lúc nào đó, báo chí sẽ hoàn toàn “lép vế” trước mạng xã hội?
Có thể nói mạng xã hội đang chiếm ưu thế về số lượng thông tin. Khi lên mạng xã hội, bạn đọc dường như chìm đắm trong biển thông tin, từ thông tin cá nhân, thông tin đồn đoán… nói chung là muôn hình vạn trạng. Trong khi báo chí chỉ là một phần thông tin trên mạng xã hội mà thôi.
Bây giờ là cơ hội để báo chí đổi mới và chuyển đổi số là công cụ để đổi mới. Chính phủ đã ban hành chương trình chuyển đổi số. Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.
Nếu bộ xây dựng được các đầu mối về công nghệ và có những hình thức hỗ trợ báo chí phù hợp trong chuyển đổi số thì đó là cơ hội để báo chí phát triển.
Báo Tuổi Trẻ đã thực hiện chuyển đổi số như thế nào và kết quả ra sao, thưa ông?
Trước đây, Báo Tuổi trẻ có số lượng phát hành báo giấy rất lớn, sau đó đầu tư thêm báo điện tử và truyền hình. Hiện nay, Tuổi trẻ sản xuất cả nội dung cho các kênh trên mạng xã hội như: YouTube, TikTok, Podcast…
Trận chung kết đội U23 Việt Nam - Thái Lan vừa rồi, trong khi VTV tường thuật trực tiếp trong sân bóng Mỹ Đình thì phóng viên Tuổi trẻ livestream cổ động viên ngoài sân và phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi trong sân có 40.000 khán giả đang xem trực tiếp, thì ngoài sân có 44.000 người xem livestream của Tuổi trẻ.
Không chỉ livestream bóng đá, chúng tôi còn live rất nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, giáo dục… Nếu không chuẩn bị từ những năm trước về nhân lực và công nghệ thì Tuổi trẻ không thể làm live đủ chuẩn và đủ chất như hiện nay.
Từng có lần ông chia sẻ quan điểm “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”, khi nói về cách thức tiếp cận bạn đọc, ông có thể nói rõ hơn?
Báo chí hiện nay đã bước sang một thời kỳ mới khi công nghệ phát triển quá nhanh và mạng xã hội chi phối đời sống xã hội quá nhiều. Phần lớn công chúng báo chí đã di chuyển lên mạng và họ xem những nội dung trên mạng xã hội như xem báo giấy trước đây.
Nếu báo chí không thay đổi, vẫn chờ bạn đọc đến với mình thì sẽ ngày càng mất bạn đọc. Vì vậy, báo chí phải tìm đến bạn đọc bằng cách “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”.
Bạn đọc tiếp cận báo chí qua điện thoại, máy tính… báo chí cũng phải xuất hiện trên máy tính, điện thoại… một cách hết sức nhanh nhạy, kịp thời để phục vụ bạn đọc.
Bạn đọc ở đâu, báo chí phải ở đó!
Có thực tế là nếu báo chí hiện nay không tiếp cận và tranh thủ hệ sinh thái mạng xã hội, rất khó thu hút được bạn đọc, ông nghĩ sao?
Báo chí nên xác định mạng xã hội là kênh phân phối mới để chủ động xuất hiện trên đó. Thay vì trước đây phát hành báo giấy ra sạp thì bây giờ phát hành báo online trên mạng xã hội.
Chúng ta nên xem Facebook, YouTube, TikTok… là các “sạp báo” mới của báo chí thời chuyển đổi số. Những “sạp báo” mới này có thể tiếp cận bạn đọc nhanh và nhiều hơn cả sạp truyền thống nếu biết cách tổ chức.
Hiện, mạng xã hội đang khai thác tối đa nguồn thông tin của báo chí và thu lợi rất lớn. Theo ông, pháp luật cần thay đổi thế nào để buộc mạng xã hội phải chia sẻ lợi nhuận cho báo chí như nhiều nước đã áp dụng?
Đúng là hiện nay mạng xã hội biết cách khai thác báo chí để làm giàu thông tin cho họ. Điều đó cũng tạo bất lợi cho cơ quan báo chí vì giảm bạn đọc và giảm nguồn thu.
Tuy nhiên, nếu báo chí sản xuất được những nội dung riêng, chất lượng cao, không “đụng hàng” với mạng xã hội thì báo chí vẫn có đối tượng bạn đọc riêng của mình.
Trước hết là pháp luật về bản quyền thương hiệu báo chí và bản quyền về tác phẩm báo chí (từ Luật Sở hữu trí tuệ cho đến các nghị định liên quan) cần được sửa đổi theo hướng rõ ràng, chi tiết hơn đối với các sản phẩm báo chí số (xuất bản trên các nền tảng số).
Tiếp theo là việc thực thi và chế tài vi phạm bản quyền báo chí phải được thực hiện nghiêm để không còn tình trạng nhân bản, sao chép lung tung trên không gian mạng.
Như vậy, các cơ quan báo chí mới có thể yên tâm một bản tin độc quyền, một bài báo hay không bị copy từ báo này sang báo khác và không thể “bắn” lên mạng xã hội dễ dàng.
Khi đó, mạng xã hội muốn khai thác thông tin báo chí, họ phải chia sẻ nguồn thu hoặc phải trả tiền bản quyền cho các cơ quan báo chí Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể tham khảo cách làm của EU, Canada, Úc… trong việc thương lượng với các “đại gia” công nghệ như Facebook, Google… chi trả nguồn thu xứng đáng cho các cơ quan báo chí khi sử dụng nội dung báo chí trực tiếp hay gián tiếp.
Tuy nhiên, đây là vấn đề không hề đơn giản và các cơ quan báo chí khó có thể tự thương lượng được mà phải là cấp có thẩm quyền.
Đừng biến tờ báo thành “tiệm tạp hóa”
Phải thừa nhận là không dễ để tìm sự khác biệt giữa rất nhiều tờ báo hiện nay, quan điểm của ông thế nào?
Một số tờ báo hiện nay sử dụng công nghệ để tăng bạn đọc bằng cách tăng view. Nếu tăng kiểu đó thì chỉ nhất thời và ngắn hạn. Mục đích lâu dài của báo chí là phải tăng người dùng, đặc biệt là người dùng trung thành. Quan trọng là phải có thông tin chất lượng cao, để người đọc dừng lại, suy nghĩ và ở lại trang báo lâu hơn.
Về câu chuyện thu phí bạn đọc, hiện nay một số tờ báo lớn trên thế giới đã thành công. Ở Việt Nam chỉ mới có một số ít báo thu phí đọc báo điện tử, nhưng nguồn thu đó chưa đáng kể. Báo Tuổi trẻ đang trong lộ trình xây dựng hồ sơ bạn đọc, định danh bạn đọc và sẽ tiến tới thu phí đọc báo online.
Nhà báo Lê Xuân Trung
Muốn làm được những điều đó, báo chí phải tôn trọng bản quyền. Nghĩa là chúng ta không thể biến các trang báo online thành những “tiệm tạp hóa” mà cái gì báo bạn có, báo ta cũng có.
Báo chí Việt Nam hiện nay đang chạy đua về số lượng dẫn đến bạn đọc bội thực thông tin và chán ngán những tin tức “đồng phục” vì các báo na ná như nhau.
Những “tiệm tạp hóa” bán hàng giống nhau thì bạn đọc không nhớ được một tờ báo nào. Như vậy, các báo vô tình đánh mất thương hiệu, mất bản sắc và dần mất luôn bạn đọc.
Vậy, Báo Tuổi trẻ đã thay đổi theo phương châm này ra sao?
Thứ nhất là chúng tôi giảm số lượng. Trước đây, mỗi ngày chúng tôi sản xuất khoảng 300 tin bài, nay chỉ 120 - 150 tin bài, nhưng nâng chất lượng lên.
Cùng đó, hạn chế tối đa sa vào những vấn đề thực trạng mà báo chí nói đi nói lại nhiều lần. Chúng tôi chuyển sang “báo chí giải pháp” để góp phần giải quyết vấn đề.
Ví dụ, thay vì nói về thực trạng giao thông TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, chúng tôi tập trung khai thác đề tài đường Vành đai 3 sẽ được đầu tư như thế nào?
Sắp tới, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, việc triển khai dự án có đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng hay không?...
Toàn bộ các thông tin được chuẩn bị trước. Khi Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương là chúng tôi đã có sản phẩm báo chí khá sâu về dự án Vành đai 3. Cách làm như vậy thì mạng xã hội khó mà theo được! Ai muốn đọc Vành đai 3 thì phải tìm đến Tuổi trẻ.
Tóm lại, báo chí ngày nay phải đầu tư những đề tài lớn, đề tài sâu để tạo thành món riêng, xứng đáng với thương hiệu của mình.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận