Hiện trong Luật Đầu tư công, khâu phân khai vốn rất chậm. Hồ sơ dự án từ chủ đầu tư lên đến bộ ngành, bộ ngành gửi sang Bộ KH&ĐT thẩm định, lên đến Chính phủ, rồi qua Quốc hội thông qua thì mới được giao kế hoạch vốn. Do đó, nếu công tác triển khai dự án từ chủ đầu tư mà chuẩn bị không chu đáo, thì quá trình triển khai sẽ vướng mắc phải điều chỉnh. Nếu phải điều chỉnh thì phải vòng lại theo quy trình từ dưới lên trên. Cứ vòng đi vòng lại như vậy, chậm lại càng chậm.
Một bất cập nữa liên quan đến Luật Xây dựng, công trình muốn triển khai được thì lại phải thẩm định thiết kế cơ sở. Theo quy định, tất cả các dự án đầu tư đều phải thẩm định thiết kế cơ sở tại Cục Quản lý chất lượng, Bộ Xây dựng. Cục này chỉ có 37 người, hàng năm phải thẩm tra hàng nghìn dự án, gồm tất cả dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C của Trung ương đến các dự án từ nhóm B trở lên đối với các tỉnh, thành phố. Các dự án có quy mô lớn, nhà cao tầng, khu công nghiệp cũng phải qua đây thẩm định. Đây thực sự là một nút “thắt cổ chai” trong quá trình triển khai dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó công tác GPMB liên quan đến nhiều chính sách, nhất là những dự án lớn như dự án giao thông sẽ triển khai trên diện rộng, nhiều địa phương. Thêm vào đó, khi đã vướng mắc thì công tác phối hợp giữa các bộ, ngành thì cũng chưa được đồng bộ.
Nhưng thời gian tới, nút thắt về chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ được gỡ khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2020, giải quyết được vấn đề phân cấp để triển khai vốn.
Theo đó, luật mới quy định việc điều chỉnh vốn, Quốc hội giao cho Chính phủ, Chính phủ giao cho các bộ ngành, còn việc điều chỉnh trong nội bộ ngành sẽ giao cho Bộ trưởng, trưởng ngành. Như vậy, không như trước đây, phải vòng lên trên, sẽ bớt một khâu trong giải ngân vốn đầu tư công.
Và sắp tới, sẽ sửa Luật Xây dựng, sẽ phải phân cấp tiếp cho 63 sở KH&ĐT và sở xây dựng địa phương thẩm tra các thiết kế cơ sở, gỡ bỏ nút “thắt cổ chai” trong việc triển khai dự án.
Mặc dù vậy, quan trọng nhất vẫn là việc triển khai dự án từ các Ban quản lý dự án, từ các chủ đầu tư có đảm bảo chất lượng, tiến độ hay không. Và đồng hành cùng đó là trách nhiệm, tinh thần quyết liệt, “xắn tay áo cùng làm” của các lãnh đạo ngành, địa phương. Bởi thực tế cho thấy, cùng một thể chế giống nhau, hành lang pháp lý như nhau nhưng trong khi một số bộ ngành, địa phương triển khai tốt thì lại có những nơi ngược lại. Điều đó cho thấy, sự sát sao, quyết liệt, dám làm dám chịu trách nhiệm, có chỉ đạo rất cụ thể, vướng chỗ nào gỡ chỗ đó của những người đứng đầu là rất quan trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận