Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ GTVT sáng 16/3 |
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tính hiệu quả của việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục gỡ khó về cơ chế để có thể tiếp tục triển khai mạnh mẽ phương thức đầu tư này. “Khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP đã rõ. Công việc quan trọng hiện nay là phải tập trung nghiên cứu thể chế về PPP để tháo gỡ bằng được những khó khăn”, Thủ tướng nói và giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính hình thành thể chế mới về PPP trên tinh thần tháo gỡ những vướng mắc, những nút thắt hiện nay.
Tôi biết có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tâm huyết, rất muốn đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam, nhưng vì thể chế PPP của chúng ta còn nhiều vướng mắc nên họ nản lòng. Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nên chúng ta đừng sợ nó, phải tự tháo gỡ, dẹp bỏ những gì không cần thiết để tạo cơ chế phát triển tốt nhất, trên tinh thần minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện cùng phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Thực tế, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho ngành GTVT giai đoạn 2016-2020 rất lớn, lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, trong khi khả năng đáp ứng từ các nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (NSNN, TPCP, ODA) rất hạn chế. Do vậy, việc thực hiện đa dạng hình thức đầu tư, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết. Trong đó, huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP được Đảng, Nhà nước xác định là kênh huy động vốn quan trọng. Đáng nói là việc huy động vốn qua hình thức này đang gặp nhiều trở ngại, nếu không có điều chỉnh thích hợp thì không thể phát huy hiệu quả mong muốn.
Cụ thể, theo Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy, từ năm 2014, Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán để phục vụ công tác quyết toán. Trong năm 2015-2016, có 58 đoàn thanh tra, kiểm toán vào kiểm toán. Quá trình này phát hiện ra rất nhiều bất cập về pháp lý khiến không thể tiếp tục triển khai được.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thuộc cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả |
“Luật Doanh nghiệp quy định vốn chủ sở hữu một kiểu, Nghị định 15 quy định một kiểu. Nên khi làm theo Nghị định 15, thanh tra kiểm toán là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý”, ông Huy nói và cho biết, về nguồn vốn tín dụng, theo Thông tư 05, NHNN yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng hết năm 2016 phải đưa mức huy động ngắn hạn cho vay dài hạn về dưới 60%. Hết năm 2017 là 50% và từ năm 2018 trở đi là 40%. Trong đó, cơ bản các tổ chức tín dụng của ta huy động ngắn hạn cho vay dài hạn đều quá mức quy định tại Thông tư này cho nên không thể tiếp tục cho vay. Thực tế, nhiều dự án, các ngân hàng đã thẩm định rồi nhưng phải dừng vì Thông tư 05 như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
Đối với vốn huy động từ các tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài, thực tế Bộ GTVT đã triển khai và tiến hành đấu thầu quốc tế qua sơ tuyển đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch. Sau khi phát hành hồ sơ sơ tuyển có 17 nhà đầu tư nước ngoài mua hồ sơ, 6 nhà đầu tư tham gia thủ tục tiền thầu. Tất cả các nhà đầu tư đều yêu cầu Chính phủ bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ. Toàn bộ cơ chế này, Bộ GTVT đã báo cáo nhưng vì vướng mắc chính sách pháp luật nên chúng ta không thể thực hiện bảo lãnh như yêu cầu. Cuối cùng, toàn bộ nhà đầu tư đều có văn bản trả lời không tham gia nữa.
“Thực tế, qua tham vấn 217 nhà đầu tư và 17 ngân hàng cho vay đầu tư hạ tầng lớn nhất thế giới, tất cả đều yêu cầu với điều kiện những nước có tỉ số tín nhiệm tương đương như chúng ta, điều kiện như ta, quy mô kinh tế như ta phải có tối thiểu 3 bảo lãnh là bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh trách nhiệm của bên thứ 3”, ông Huy khẳng định.
Về khung pháp lý, ông Huy cũng đề cập đến rất nhiều khó khăn. “Như về quyết toán, đến nay chưa có quy định nào cho quyết toán toàn bộ dự án đầu tư BOT. Quy định hiện hành, sau 6 tháng thực hiện quyết toán, không nói thời điểm hoàn thành quyết toán. Hay như việc vay vốn, có giai đoạn ưu đãi lãi suất được giảm 2%. Vấn đề là 2% đấy quyết toán trừ đi hay nhà đầu tư được hưởng. Những vướng mắc cụ thể như thế không thể giải quyết được trong khi chẳng có quy định nào hướng dẫn”, ông Huy dẫn giải.
Khó khăn cuối cùng theo ông Huy liên quan đến truyền thông. “Làm PPP rất khó. Hiện báo chí, dư luận nhìn không khách quan, nhiều vấn đề tuyên truyền không đúng. Như việc kiểm toán kết luận 25 dự án tổng mức đầu tư 65 nghìn tỷ đồng, sai số 465 tỷ, tương đương 0,71%. Kết luận thanh tra sai số dưới 1,7%. Trong khi đó, quy định của chúng ta cho phép dự phòng khối lượng là 10%, tức là chúng ta chấp nhận sai số 10%. Trên thế giới cũng không đâu chính xác được những chuyện như thế này. Nhưng cuối cùng qua phương tiện truyền thông vẫn bị nhìn nhận là khai vống tổng mức đầu tư”, ông Huy nói.
Chia sẻ với những khó khăn trong PPP, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan này luôn đồng tình rất cao có cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hoá nếu không chúng ta không thể có nguồn lực phát triển.
“Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các văn bản triển khai PPP. Chỗ nào vướng thuộc về Luật thì kiến nghị sửa. Cái nào liên quan đến Nghị định thì báo cáo Chính phủ sửa sớm. Phần nào thuộc về trách nhiệm thuộc Bộ liên quan thì chúng tôi sẽ sửa ngay”, vị này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận