Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt (người đứng, ngoài cùng bên trái) thăm, kiểm tra điều kiện ăn, ở của người lao động tại công trình cầu Bạch Đằng |
Không có khái niệm công đoàn cơ sở nhỏ hay to
Ngay sau khi kết thúc Tháng Công nhân, chúng tôi may mắn được theo đoàn công tác của Công đoàn GTVT VN đến các Công đoàn cơ sở để nắm bắt tình hình hoạt động Công đoàn, nhất là tại các đơn vị đã cổ phần hóa (CPH), thoái vốn. Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Nga Việt quán triệt với mọi người trước chuyến đi: “Sau tái cơ cấu, nhiều đơn vị khó khăn về sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm người lao động bị ảnh hưởng. Hơn nữa, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác, tổ chức Công đoàn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, càng cần phải đến với cơ sở, có vậy mới nắm bắt kịp thời đời sống người lao động được”.
Không phải đợi lâu, câu nói đó của Chủ tịch Đỗ Nga Việt đã được kiểm chứng ngay. Là đơn vị đầu tiên chúng tôi đặt chân đến, TCT Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) vốn là thương hiệu lớn của ngành GTVT trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn TCT Đào Xuân Dụ cho biết, hiện chỉ có 6/25 đơn vị có việc làm thường xuyên; 19 đơn vị còn lại trong tình trạng rất khó khăn vì thiếu việc làm thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng cán bộ đoàn viên CNLĐ.
Sau chuyến đi này, đoàn lại tiếp tục đến với các đơn vị, công trình phía Nam như: Cụm phà Vàm Cống, bến phà Láng Sắt và Cái Tắt, công trình cầu Vàm Cống, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Ghềnh. Ở đâu Công đoàn GTVT VN cũng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ với đời sống còn nhiều khó khăn của người lao động. Biểu dương các đơn vị đã chăm lo đến đời sống, công tác đảm bảo an toàn, Chủ tịch Công đoàn Đỗ Nga Việt cũng nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị chú ý hơn nữa điều kiện làm việc, ăn nghỉ của người lao động, đặc biệt là đảm bảo ATVSLĐ. |
“Một số đội công trình, CNLĐ phải nghỉ chờ việc hoặc chuyển công tác. Do không có việc làm thường xuyên nên việc trích nộp BHXH, BHYT và 2% kinh phí Công đoàn của các đơn vị chưa thực hiện được. Hơn nữa, nợ đọng tại các dự án do chủ đầu tư chưa thanh toán lên tới 939 tỷ đồng, dẫn đến các hoạt động phong trào trong CNVCLĐ có phần giảm sút”, ông Dụ chia sẻ.
Một tổng công ty rất lớn khác trong lĩnh vực đường thủy là TCT Vận tải thủy, sau CPH việc làm, doanh thu khối vận tải cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi nhu cầu thị trường giảm sút. Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Tuyên thừa nhận, hoạt động Công đoàn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được lãnh đạo TCT quan tâm nhưng hiện nay, 100% cán bộ Công đoàn làm kiêm nhiệm, trong khi đó khối lượng và yêu cầu công việc chuyên môn ngày càng cao. Mặt khác, các cán bộ Công đoàn phần nhiều mới tham gia công tác Công đoàn, chưa có kinh nghiệm dẫn tới khó khăn, lúng túng khi thực hiện hoạt động Công đoàn, nhất là trong việc làm cầu nối, đảm bảo hài hòa lợi ích chủ DN và người lao động.
“Vì vậy, rất cần Công đoàn ngành hỗ trợ, nhất là về đào tạo nghiệp vụ Công đoàn”, ông Tuyên nói.
Cũng là đơn vị CPH từ lâu và đã thoái hết vốn Nhà nước nhưng hoạt động Công đoàn tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế lại thuận lợi, hiệu quả hơn. Chủ tịch Công đoàn Lê Tuấn Đạt cho biết, tổ chức Công đoàn được lãnh đạo công ty rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để hoạt động, nhất là về kinh phí. Với trên 300 lao động rải rác các tỉnh, hoạt động đa ngành nghề, các cán bộ Công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm nhưng hoạt động Công đoàn được duy trì thường xuyên ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong hoạt động xã hội - từ thiện, văn hóa - thể thao. “Làm được, nhưng thú thật, chúng tôi vẫn còn tự ti vì là đơn vị nhỏ, lại không có các lĩnh vực, hoạt động kết nối với ngành GTVT”, ông Đạt tâm sự.
“Không có khái niệm tổ chức Công đoàn nhỏ hay lớn, tốt hay xấu mà với mọi tổ chức Công đoàn cơ sở trực thuộc, Công đoàn ngành phải có trách nhiệm đến tận nơi tìm hiểu thực tế, hướng tới người lao động. Có vậy, mới nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để chia sẻ, có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ”, Chủ tịch Đỗ Nga Việt đáp lời ngay. Ông Việt cũng cho rằng, cán bộ Công đoàn thực sự phải biết việc và làm việc, là những tấm gương tích cực, có sức lôi cuốn, có trình độ chuyên môn, thực sự là thủ lĩnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động”.
Xuống tận bếp kiểm tra từ bữa ăn, nước uống của người lao động
Tiếp nối những buổi làm việc với Công đoàn cơ sở là những chuyến thăm, kiểm tra công tác chăm lo đời sống, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại một số công trình cầu trọng điểm phía Đông Bắc, phía Nam. Những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, nhưng đúng hôm đoàn công tác lên đường đến công trình cầu Bạch Đằng, cầu sông Rút, cầu sông Chanh, trời đổ mưa như trút nước.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tiến độ và công tác chăm lo đời sống, công tác an toàn mọi mặt tại trụ sở Ban điều hành BOT cầu Bạch Đằng, dù trời đổ mưa, Chủ tịch Đỗ Nga Việt vẫn quyết định đến thăm nơi ăn chốn ở của cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động các đơn vị tham gia công trình. Đội mưa, cuốc bộ trên công trường lầy lội bùn đất, đi ca nô qua sông sang các đơn vị thi công phía bờ Quảng Ninh, ở đơn vị nào, đoàn cũng đến từng lán công nhân, từng bếp ăn, từng mâm cơm để kiểm tra thực tế điều kiện ăn nghỉ của người lao động.
Mở từng mâm cơm đang được nhà bếp chuẩn bị, ông Việt hỏi cặn kẽ người lao động về suất ăn có đảm bảo, nước sinh hoạt hàng ngày ra sao. Rồi ông nói với anh em trong đoàn: “Nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo chỉ là một kênh, muốn biết thực hư thế nào, phải đến tận nơi như thế này mới biết, mới hiểu hết được đời sống người lao động”.
Vì trời mưa nên anh em công nhân được nghỉ, ai nấy đều phấn khởi khi được lãnh đạo công đoàn ngành đến thăm hỏi và tặng quà. Anh Nguyễn Trọng Tấn, tổ trưởng tổ sản xuất Công ty CP Cầu 12 - đơn vị thi công phía bờ Quảng Ninh cảm động: “Mưa gió mà các đồng chí lãnh đạo vẫn vượt sông đến tận nơi thăm anh em thế này thật quý hóa quá”.
Còn anh Phạm Thanh Hà, tổ trưởng tổ sản xuất Công ty Thi công cơ giới 1 chia sẻ: “Vui lắm. Lãnh đạo công ty cho biết, hôm nay có Công đoàn ngành đến tặng quà, nhưng nói thật, không nghĩ là các bác đến tận lán công nhân, lại còn vào kiểm tra cả bếp ăn”.
Công đoàn GTVT VN được thành lập khi nào? Công đoàn GTVT VN được thành lập ngày 18/11/1966 theo Quyết định số 669 của Tổng Công đoàn Việt Nam, bao gồm: Đường sắt, đường sông, đường biển, vận tải ô tô, các công trình kiến thiết cơ bản, các xí nghiệp công nghiệp thuộc ngành GTVT… từ T.Ư đến địa phương và cơ sở. Công đoàn GTVT VN giai đoạn này có 250 Công đoàn cơ sở, 125.000 CNVC, 112.000 đoàn viên, 965 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Ban Chấp hành lâm thời có 16 đồng chí, trong đó đồng chí Hồ Sỹ Ngợi, Ủy viên Ban Thư ký Tổng Công đoàn VN làm Thư ký Công đoàn GTVT Việt Nam; Đồng chí Lều Thọ Hải, Ủy viên Ban Thư ký Tổng Công đoàn, Thư ký Công đoàn Đường sắt Việt Nam làm Phó Thư ký. Trụ sở Công đoàn GTVT VN đóng tại số 1B, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong giai đoạn này, Công đoàn GTVT VN đã vận động CNVC toàn ngành thi đua lao động sản xuất, phục vụ, sẵn sàng chiến đấu với khẩu hiệu hành động: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Nhiều phong trào thi đua: “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… được phát động và được CBCNV toàn ngành hưởng ứng tích cực, sẵn sàng phục vụ vận tải cho chiến trường, các tuyến đường trong mạng lưới Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, đặc biệt Đường 20 Quyết Thắng… T.T |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận