Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Bộ GTVT nhiều năm liên tiếp dẫn đầu các bộ, ngành về cải cáchhành chính - Ảnh: K.Linh |
Đưa vào khai thác 22 dự án hạ tầng giao thông
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Bộ GTVT ngày 18/1, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2017, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải, chủ động đối thoại với các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải biển, cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng hàng không Việt Nam và nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc với DN, hiệp hội... để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của các tổ chức, DN, người dân và các cơ quan thông tấn, báo chí về các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải.
"Sự đóng góp của hệ thống hạ tầng trong việc kéo giảm TNGT là rất lớn. Điển hình như tuyến QL1, số liệu so sánh cho thấy, sau khi cải tạo, nâng cấp vào năm 2016 đã giảm 1.160 vụ TNGT (giảm 36,6%), giảm 539 người chết (giảm 30,7%) và giảm 1.390 người bị thương (giảm 49%) so với năm 2011, thời điểm trước khi dự án được nâng cấp, mở rộng." Ông Khuất Việt Hùng |
“Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Phối hợp với các địa phương rà soát tổng hợp và đang tiến hành cập nhật, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, sản lượng vận tải năm 2017 ước đạt 1.442,94 triệu tấn hàng, tăng 9,8%; đạt 4.081,61 triệu lượt hành khách, tăng 11,1% so với năm 2016.
Thông tin về công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng, Thứ trưởng Đông cho biết, năm 2017, Bộ GTVT đã đưa 22 dự án hạ tầng vào khai thác, hoàn thành công tác chuẩn bị, khởi công 12 dự án.
“Bộ GTVT đã hoàn thiện đúng tiến độ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHK quốc tế Long Thành để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, Bộ GTVT cũng đã triển khai nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh Quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; triển khai thủ tục lựa chọn tư vấn trong nước rà soát, xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự kiến phối hợp với tư vấn hỗ trợ phía Nhật Bản tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018,...
Giải ngân chậm vì nhiều vướng mắc
Công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn thảo tại hội nghị. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, năm 2017, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 44.606 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước 31.616 tỷ đồng, vốn TPCP 7.329 tỷ đồng và vốn kéo dài kế hoạch năm 2016 sang năm 2017 là 5.661 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân kế hoạch năm 2017 (thời hạn giải ngân kết thúc vào 31/1/2018) chỉ đạt khoảng 40.762 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt khoảng 29.551 tỷ đồng (93,5% kế hoạch), vốn TPCP đạt 5.752 tỷ đồng (78,5% kế hoạch) và vốn kéo dài kế hoạch đạt 5.458 tỷ đồng (96,4% kế hoạch).
Cùng nhau sát cánh hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, sẽ tiếp thu và cụ thể hóa những chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để thực hiện trong các giai đoạn sắp tới. “Chúng tôi nhận thức sâu sắc các hạn chế, khó khăn, thách thức mà ngành GTVT đang phải đối mặt. Trách nhiệm của ngành GTVT là phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp để khắc phục khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Bộ GTVT sẽ đoàn kết, thống nhất, sát cánh, cùng đồng tâm hiệp lực nghiên cứu các giải pháp, đặc biệt là các chỉ đạo của Phó Thủ tướng để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao”, Bộ trưởng nói. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ GTVT đã phối hợp với Công đoàn GTVT phát động phong trào thi đua năm 2018 với nội dung: “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm, đoàn kết sáng tạo, nâng cao hiệu quả”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đây là 5 thành tố, trách nhiệm quan trọng nhất của ngành GTVT. |
“Dự kiến, năm 2017 không giải ngân hết kế hoạch được giao do một số dự án vướng GPMB, thủ tục pháp lý, các dự án TPCP được giao kế hoạch muộn”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết, kết quả giải ngân đạt thấp còn có nguyên nhân xuất phát từ các chủ đầu tư, Ban QLDA chưa thay đổi cách lập kế hoạch, chưa tuân thủ hướng dẫn đến xây dựng nhu cầu cao hơn thực tế như: Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông; dự án nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê Kông mở rộng phía Bắc thứ 2; Dự án QL217 giai đoạn 2,…
“Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa coi trọng việc rà soát theo dõi tiến độ thanh toán kế hoạch vốn được giao để phù hợp với tiến độ thực tế của dự án, đến cuối năm mới đề nghị điều hòa, điều chỉnh kế hoạch. Điển hình là dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án VRAMP,… gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT”, Thứ trưởng Nhật nói và cho biết thêm, tại một số dự án, do công tác dự báo tiến độ thực hiện dự án, thời gian để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến giải ngân vốn nước ngoài không sát với thực tế.
“Khi kết thúc hiệp định vay vốn, dự án đã không giải ngân hết phần vốn của nhà tài trợ, dẫn đến phải sử dụng vốn trong nước để thanh toán cho các khối lượng này”, Thứ trưởng chia sẻ.
Về kế hoạch giải ngân năm 2018, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT được giao tổng số 21.229,532 tỷ đồng, gồm: vốn nước ngoài 12.785,417 tỷ đồng; vốn trong nước 5.858,0 tỷ đồng và vốn TPCP 2.586,115 tỷ đồng. “Để đảm bảo kết quả đúng kế hoạch, các chủ đầu tư, Ban QLDA phải tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018. Đồng thời, phải bám sát các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đẩy nhanh các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB để sớm triển khai các dự án khởi công mới”, Thứ trưởng Nhật nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị các đơn vị liên quan phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân kịp thời cho nhà thầu, tư vấn. “Các chủ đầu tư, Ban QLDA phải theo dõi chặt chẽ chi phí dự án, xác định chính xác nhu cầu sử dụng vốn của dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, tránh lãng phí vốn đầu tư”, Thứ trưởng yêu cầu.
Phải hoàn thiện thể chế đầu tư hạ tầng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong năm 2017, dù còn nhiều khó khăn, song ngành GTVT đã thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực GTVT. “Đặc biệt, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính của ngành GTVT đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch. Bộ GTVT cũng kịp thời đưa vào những dịch vụ công trực tuyến vượt mức đề ra”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm, kết quả đánh giá xếp hạng của Bộ Nội vụ cho thấy, Bộ GTVT nhiều năm liên tiếp dẫn đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có vai trò rất quan trọng, tạo công cụ để xây dựng và phát triển. Đây cũng là hành lang pháp lý để tạo môi trường huy động nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hạ tầng GTVT. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực GTVT.
“Bộ GTVT phải tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, nhất là những chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các chính sách về đầu tư theo hình thức PPP”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT phải xác định rõ lộ trình thực hiện, các dự án ưu tiên đầu tư và rà soát lại các dự án quan trọng đang còn dang dở để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét cân đối, bố trí các nguồn vốn để đầu tư. “Bộ GTVT phải khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để sớm đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Chúng ta phải sớm hoàn thành các cơ chế đặc thù cho dự án, trong đó lưu ý việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch thông qua đấu thầu rộng rãi”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị, Bộ GTVT cần sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi CHK quốc tế Long Thành để triển khai xây dựng, đưa dự án vào khai thác trong năm 2025; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Cùng đó, Bộ GTVT cần sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030, trước mắt là các đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Đồng thời, tăng cường quản lý xây dựng, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán đến thực hiện đầu tư và thanh, quyết toán các dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận