Chiều 18/11, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng có buổi làm việc về tình hình triển khai một số dự án do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Mặt bằng còn không nhiều nhưng khó
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài gần 73km, đi qua các tỉnh: Bình Dương (30,85km), Tây Ninh (21,7km), Long An (20,2km). Tổng mức đầu tư dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó, chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là trên 264 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2025.
Ông Quý cho biết, công tác bồi thường, GPMB của dự án này đã đạt 97,1%, còn vướng 2,1km trên tuyến chính. Trong đó, mặt bằng tại tỉnh Bình Dương còn khoảng 100m, tỉnh Tây Ninh còn khoảng 1,7km, tỉnh Long An còn khoảng 300m và phần mở rộng của 9 nút giao.
Về thi công, ba gói thầu xây lắp (khởi công dự án ngày 18/11/2023) đạt tiến độ khoảng đạt 40,8%, đáp ứng kế hoạch. Giải ngân của dự án cũng đạt 81,58%.
Ông Quý cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay chủ yếu là công tác GPMB. Dù Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị địa phương phối hợp, hỗ trợ, tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng. Đó là các trường hợp có quyết định thu hồi trước đây nhưng chưa chi trả, chi trả tiền một phần, hoặc đã chi trả tiền đền bù nhưng còn lại phần bổ sung chính sách hỗ trợ tái định cư, bổ sung giá trị tài sản trên đất, bổ sung giá trị quyền sử dụng đất dẫn đến tiến độ triển khai công tác GPMB của các địa phương còn chậm.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (đi qua tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu) có tổng chiều dài 51,94km. Tổng mức đầu tư là 3.904 tỷ đồng, trong đó, chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 538 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án này cũng trong năm 2025.
Đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật do các địa phương đang thực hiện các thủ tục phê duyệt phương án và lựa chọn đơn vị thi công. Dự án có hai gói thầu xây lắp, đã khởi công dự án ngày 6/3/2024, đến nay tổng tiến độ đạt 14,7%, chậm 6,81% so với kế hoạch.
Theo kế hoạch, các địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 8/2024 nhưng đến nay, vẫn còn 19% mặt bằng. Chủ đầu tư tiểu dự án GPMB gặp vướng mắc trong việc xử lý đối với các trường hợp các hộ dân đang ở trên phần đất công từ trước năm 2014 đến nay nên không được bồi thường về đất, người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, tổng nhu cầu cát đắp của dự án khoảng 1,85 triệu m3, tuy nhiên đến nay mới xác định được khoảng 0,5 triệu m3 cát từ các mỏ thương mại. Do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nên việc thi công hệ thống đường công vụ chưa được hoàn thiện, mới hoàn thành được khoảng 5/45km đường công vụ và chỉ tiếp cận thi công được 11/25 cầu, 4/25 cầu còn lại chưa có mặt bằng và đường tiếp cận.
Nhận diện khó khăn để đề ra giải pháp
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhận định, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa hiện đang rất thuận lợi, chỉ còn khoảng 2,1km. Theo Thứ trưởng, việc đền bù đã rất lâu nên phải xây dựng lại phương án theo thời điểm trả tiền.
Ban phải làm việc với địa phương để xem khó khăn, vướng mắc ở đâu để giải quyết dứt điểm.
Đối với đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, đây là dự án hết sức khó khăn, một phần đoạn tuyến mở rộng QL61 cũ, một phần xây dựng tuyến mới, nhưng đều phải xử lý đất yếu, thời gian chờ gia tải rất lâu.
Tỉnh Kiên Giang đang rất tích cực trong công tác GPMB, đến nay khi có mặt bằng thì không có vật liệu xây dựng, đường công vụ cũng chưa xong. Do đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải quyết liệt hơn.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các dự án đường Hồ Chí Minh đều rất quan trọng với Bộ GTVT và quốc gia. Đây là những đoạn tuyến cuối cùng để hoàn thành thông suốt đường Hồ Chí Minh từ Bắc chí Nam, được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Do có ý nghĩa chính trị cao, ông Thắng đề nghị các đơn vị quyết liệt hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng đánh giá, dù có những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện dự án nhưng các đơn vị đã có sự cố gắng, nỗ lực. Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều thách thức để thúc đẩy, hoàn thành dự án như kế hoạch.
Với những kiến nghị giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ trưởng cho rằng các nhà thầu đang có sự nhận diện không đúng bản chất của vấn đề. Đây là các dự án không đấu thầu công khai, các nhà thầu phải chủ động nguồn vật liệu, có các phương án dự phòng khi khó khăn. Lãnh đạo Bộ GTVT đã vào cuộc, làm việc với các địa phương để tháo gỡ, nhưng trách nhiệm chính là của các nhà thầu, không thể lấy lý do thiếu vật liệu mà ảnh hưởng tiến độ chung.
Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải chủ động hơn trong quá trình triển khai dự án, nhận diện các khó khăn đề ra giải pháp. Hàng tuần, Ban phải họp với các nhà thầu, đánh giá tiến độ, chất lượng, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách dự án.
Khi nghe ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất gặp khó khăn về mặt bằng, có thể phải qua 2026 mới hoàn thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu phải hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 như kế hoạch ban đầu, không bàn lùi.
"Bằng mọi giá phải hoàn thành trong năm 2025, ai bàn lùi thì đứng sang một bên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về những khó khăn, thách thức mà dự án đang đối mặt, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA phải chủ động làm việc với địa phương để từng bước tháo gỡ. Song song đó, các nhà thầu tăng cường thêm việc huy động vật liệu về công trường, ngoài cát cũng phải huy động nguồn vật liệu cấp phối để thi công giai đoạn sau.
Những đoạn nào cần các giải pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu, phải tính toán ngay từ lúc này để chủ động thời gian. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu, chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu, vừa phải đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo chất lượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận