Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật và người thuê có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tràn lan dịch vụ cho thuê GPLX
Những ngày đầu tháng 4/2024, trong vai người cần thuê GPLX để "thế chỗ" nộp phạt nguội, PV Báo Giao thông ghi nhận, những lời mời chào cho thuê GPLX được đăng công khai trên mạng xã hội, lập hẳn thành những hội nhóm có rất đông thành viên.
Các hội nhóm có nhiều bài đăng công khai mức giá cho thuê GPLX ô tô theo tháng. Giá thuê tùy thuộc vào các loại GPLX, chẳng hạn bằng B1, B2 là thấp nhất có giá từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, còn bằng E, FC… giá cao nhất khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Những người môi giới cho thuê khẳng định, hoàn toàn có thể lấy GPLX của người này để "thế chỗ" cho người khác khi nộp phạt vi phạm giao thông.
Lấy lý do có người thân ở Hà Nội đi phượt bằng ô tô 4 chỗ ở tỉnh Gia Lai rồi bị phạt nguội vì chạy quá tốc độ 25km/h (lỗi vi phạm này bị tước GPLX 3 tháng), PV liên hệ với số điện thoại 0878.184.XXX đăng trên page "Cho thuê bằng lái Gia Lai", một người đàn ông tên T.V nghe máy tư vấn, vi phạm này sẽ phải thuê GPLX 3 tháng để đi nộp phạt.
"Hiện nay, ở Gia Lai đang có nhiều bằng nên giá thuê chỉ là 1,5 triệu đồng/tháng, có nhiều tỉnh khác khan GPLX phải 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu anh thuê thì em thu 4,5 triệu đồng cho 3 tháng thuê bằng lái B2. Bên em còn có người đi nộp phạt hộ, chỉ cần anh chuyển tiền phạt và tiền thuê bằng lái là xong", người này nói.
Khi PV thắc mắc, khi thuê bằng lái đi nộp phạt như vậy, liệu cơ quan chức năng có phát hiện không, V khẳng định: "Bao nhiêu người thuê của em rồi không ai bị phát hiện cả".
Tương tự, tại nhóm "Nhóm cho thuê giấy phép lái xe", một tài khoản tên T.T.L cũng cho biết: "Bên mình cho thuê bằng lái từ hạng B trở lên ở khu vực TP.HCM, ai có nhu cầu liên hệ số điện thoại 0948...".
Trong vai người có nhu cầu, PV liên hệ với số điện thoại trên thì được một thanh niên nghe máy và báo giá cho thuê là 2 triệu đồng/tháng: "Bên em ở TP Thủ Đức, anh có thể đến đó để làm thủ tục. Nếu đồng ý anh ứng trước một nửa số tiền thuê".
Thanh niên này cũng không quên dặn PV cần tìm tới địa chỉ uy tín, nếu không muốn bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Hành vi vi phạm pháp luật
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc thuê GPLX, nhờ người khác nhận thay hành vi vi phạm giao thông để không bị giữ GPLX là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện, chủ phương tiện chính là người điều khiển phương tiện, nhưng đã gian dối trong quá trình thực hiện thủ tục nộp phạt, người vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất của khung phạt, đây là tình tiết tăng nặng.
Trường hợp GPLX đi thuê là giả, chủ xe biết nhưng vẫn thuê sử dụng, chủ xe có thể bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
"Riêng hành vi khai báo sai sự thật bị phát hiện, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ", luật sư Cường nhấn mạnh và cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt hành vi thuê GPLX nộp thay người vi phạm.
Người cho thuê, mượn GPLX sẽ bị thu hồi
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chế tài xử lý hành vi cho thuê, mượn GPLX vẫn chưa được quy định nên không có cơ chế xử lý.
Tuy nhiên, tại khoản 14, Điều 33, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT, được sửa đổi bởi khoản 24, Điều 4, Thông tư 05/2024 có hiệu lực từ ngày 1/6/2024 quy định các trường hợp thu hồi GPLX bao gồm: Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; Để người khác sử dụng GPLX của mình.
"Như vậy, trường hợp cá nhân có bằng lái xe mà để người khác thuê, mượn, sử dụng bằng lái xe của mình thì người cho mượn sẽ bị thu hồi bằng lái xe", ông Bình nói.
Theo luật sư, trước mắt, để giải quyết những hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ xe xuất trình giấy tờ cho thuê, cho mượn hoặc yêu cầu có mặt đối chất ba bên để xác định có xảy ra việc cho thuê, mượn phương tiện hay không. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có quyền chất vấn người đứng ra nhận là tài xế về đặc điểm phương tiện, về địa điểm vi phạm, về cung đường để xác định người đó có thực sự là người điều khiển phương tiện hay không.
"Nếu phát hiện có hành vi gian dối, cơ quan chức năng có thể áp dụng các chế tài khác để xử lý đối với hành vi khai báo sai sự thật. Trong trường hợp thuê GPLX như vậy mà có hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra sẽ rất rắc rối. Người cho thuê GPLX có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm giao thông đường bộ hoặc có thể bị xử lý hình sự về hành vi vu khống", ông Bình nói.
Một cán bộ CSGT thuộc Công an TP Hà Nội cho biết, nếu người vi phạm thuê/mượn GPLX của người khác để nộp cho CSGT và sử dụng GPLX của mình để tiếp tục tham gia lưu thông là không đúng với quy định của pháp luật.
Dựa trên hình ảnh ghi được thông qua thiết bị ghi hình và từ hệ thống camera quan sát, có thể nhận dạng được người điều khiển phương tiện với độ chính xác khá cao.
Trường hợp xác minh được người điều khiển phương tiện thuê GPLX để nộp phạt, theo Điều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đây là hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm, là tình tiết tăng nặng và bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận