Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo Thông tư 90/2019 Bộ Tài Chính mới ban hành sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan đến phí, lệ phí hàng hải, biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải đã điều chỉnh định mức tiền phí cảng vụ hàng hải được giữ lại.
Cụ thể, từ tháng 1/3/2020 (thời điểm Thông tư 90 có hiệu lực), các cảng vụ hàng hải sẽ được để lại 50% tiền phí thu được để trang trải chi phí theo quy định. 50% tiền phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Trung ương.
“Số tiền phí để lại sẽ được quản lý, chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn; chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định; chi quản lý, vận hành thường xuyên phục vụ hoạt động của hệ thống giám sát, điều khiển tàu thuyền đảm bảo ATHH trên luồng hàng hải; chi phí hoạt động phục vụ công tác cải cách hành chính tại cảng biển thuộc nhiệm vụ của cảng vụ.
Khoản phí giữ lại cũng sẽ được sử dụng chi nhiệm vụ không thường xuyên của cảng vụ như: Bảo trì, bảo dường, sửa chữa hệ thống VTS và trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải; chi thuê trụ sở, đại diện cảng vụ hàng hải, bến ca nô, bến tàu công vụ (nếu có); chi cho công tác TKCN; điều tra tai nạn hàng hải; chi xử lý công việc có liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biến,…”, đại diện này cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị cho biết, theo quy định tại Thông tư 17/2017 của Bộ Tài chính, hiện tại, mức tiền phí hàng hải thu được cảng vụ giữ lại là 57%, cao hơn mức phí được giữ lại tại thông tư sửa đổi.
“Tuy nhiên, việc tiết giảm này không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phân bổ nguồn chi phục vụ công tác thu phí, lệ phí hàng hải và các hoạt động liên quan. Hàng năm, kế hoạch hoạt động đều được các cảng vụ lập dự toán đề cương gửi Cục Hàng hải VN xem xét, phê duyệt lộ trình phù hợp với nguồn ngân sách”, đại diện này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận