Xã hội

Phân cấp tối đa để địa phương quản lý quốc lộ

29/10/2024, 18:43

Sáng 29/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ, ngành để cho ý kiến về dự thảo 3 nghị định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Xây dựng tiêu chí những tuyến quốc lộ phân cấp

Cụ thể là dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; các dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường bộ; về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.

Phân cấp tối đa để địa phương quản lý quốc lộ- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT xây dựng tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của Bộ (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật TTATGT đường bộ có 9 chương, 71 điều.

Quan điểm đột phá trong dự thảo nghị định là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến về trình tự thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh quản lý quốc lộ; làm rõ các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã giải trình quy định về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ, đào tạo thẩm tra, cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu đường bộ; hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Một số ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng, Luật không giao nhưng nghị định quy định: giao địa phương quản lý một số đoạn quốc lộ thì nghị định quy định trình tự thủ tục thi hành.

Với nội dung này, Phó thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp tối đa cho địa phương. Bộ GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ ở địa phương; "chăm lo tổng thể" mạng lưới đường bộ quốc gia, trực tiếp quản lý, đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ quan trọng, trọng yếu, liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Bộ GTVT cần xây dựng tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

"Bộ GTVT phải kiên trì cụ thể hóa những điểm mới trong luật", Phó Thủ tướng nói.

Đối với quy định đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc, Phó thủ tướng lưu ý, việc đầu tư các trạm dừng nghỉ cần được quy định ngay từ khi quy hoạch, thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư cao tốc, bao gồm quy mô, khoảng cách để bảo đảm an toàn lái xe, tiêu chuẩn kiến trúc, vệ sinh môi trường, cung cấp dịch vụ cho con người và phương tiện…

Các phương án huy động nguồn lực xã hội hóa (từ nhà đầu tư đường cao tốc, đấu thầu, đầu tư công quản trị tư…) phải công khai, minh bạch.

"Các trạm dừng nghỉ là một phần không thể thiếu của hạ tầng đường cao tốc", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Kế thừa những quy định thực hiện tốt trong thực tiễn

Về dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường bộ, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, dự thảo cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa.

Vấn đề phát sinh duy nhất là quy định thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 5, loại 8 (thuộc nhóm mặt hàng hóa chất) trước đây được phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ (từ năm 2009).

Phân cấp tối đa để địa phương quản lý quốc lộ- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo nghị định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dự thảo nghị định về đào tạo lái xe (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo dẫn chiếu theo quy định của luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực hóa chất; rà soát bảo đảm tương thích với quy định liên quan Luật Phòng thủ dân sự.

Báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, bà Hiền cho biết, dự thảo kế thừa 10 thủ tục hành chính và bổ sung 2 thủ tục hành chính mới.

Phó thủ tướng đã cho ý kiến quy định cơ sở vật chất, bộ máy, tổ chức của cơ sở đào tạo lái xe không bắt buộc là cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều kiện, tiêu chuẩn của giáo viên dạy thực hành lái xe…

Phó thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định bảo đảm các quy định trong dự thảo Nghị định về đào tạo lái xe tương thích với pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đào tạo nghề…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.