Xã hội

Phấn đấu đến năm 2050 có một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

09/01/2023, 15:23

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Việt Nam phấn đấu năm 2050 thành nước phát triển, thu nhập cao

Chiều nay (9/1), với đa số đại biểu có mặt tại hội trường tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết, Việt Nam phấn đấu tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

img

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5% một năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.

Kinh tế tăng trưởng giai đoạn này dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tỷ lệ đô thị hoá đạt hơn 50%, có 3-5 đô thị ngang tầm khu vực, quốc tế.

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước phát triển, thu nhập cao. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Ở giai đoạn này, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 6,5-7,5% một năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người khoảng 27.000-32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%.

Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững, đời sống hạnh phúc...

Đến 2030 phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Nghị quyết nêu rõ tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hoà - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông đường bộ Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Các cảng biển cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị; phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc – Nam.

Phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm thiểu chi phí logistics.img

Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đến nêu rõ, phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn

Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên cơ sở phát huy ưu thế của các phương thức vận tải, bảo đảm kết nối rộng khắp tới mọi địa bàn lãnh thổ đất nước, giảm thiểu chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, đường thủy nội địa.

Định hướng tổ chức không gian hệ thống giao thông quốc gia hình thành các hành lang trục dọc quốc gia Bắc - Nam với đủ 5 phương thức giao thông vận tải. Đối với khu vực phía Bắc, hình thành các hành lang hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội (cực tăng trưởng), các hành lang Đông - Tây để kết nối khu vực miền núi phía Tây với các cảng biển khu vực phía Đông.

Đối với khu vực miền Trung, hình thành các trục Đông - Tây kết nối khu vực phía Tây với các cảng biển khu vực phía Đông và liên kết đối ngoại với các nước Lào, Campuchia. Đối với khu vực phía Nam, hình thành các hành lang theo trục Đông - Tây và Bắc - Nam, khai thác lợi thế về vận tải đường thủy nội địa và các cảng biển, cảng hàng không lớn, kết nối giao thông quốc tế.

Hình thành các tuyến vành đai và các trục hướng tâm từ các tỉnh lân cận kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM

Về đường bộ, sẽ hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Về đường sắt, phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hoà - Vũng Tàu.

Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về cảng biển, sẽ nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).

Về cảng hàng không, sẽ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực. Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 92 - 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Trên cơ sở định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sân bay chuyên dùng gắn với các vùng sản xuất, trung tâm du lịch quy mô lớn; tận dụng, phục hồi nhanh các sân bay cũ, sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng.

Đường thủy nội địa, sẽ đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thuỷ nội địa tại vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên đầu tư và khai thác hiệu quả hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Chiều cùng ngày, với 386 số phiếu tán thành, chiếm, 77,82%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan với 480 số phiếu tán thành, chiếm 96,77%

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.