Thủ tướng trò chuyện với đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị |
"Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến nước ta thành một công xưởng sản xuất của khu vực ASEAN, châu Á và cả thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày 19/12.
DN lo “lớn nhưng không mạnh”
Theo báo cáo của Bộ Công thương, toàn quốc hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Trong số này, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Đáng chú ý, dù đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, nhưng để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng gần 45 tỉ USD, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu tính cả ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may và da giày, kim ngạch nhập khẩu trong năm này của Việt Nam là hơn 63 tỉ USD.
Cùng đó, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Như dệt may tỷ lệ nội địa hóa mới đạt khoảng 40-45%. Riêng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, mục tiêu đặt ra đạt tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng thực tế đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ là đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. |
Trong khi đó, ngành điện tử của Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI, đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các DN FDI cung cấp, chỉ có 35 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các DN Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn… với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương cho rằng, công nghiệp ô tô là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, thiết bị tự động hoá… Và khi những ngành công nghiệp phụ trợ này phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Dương cho hay, từ năm 2003 đến nay, để có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe lắp ráp như xe tải 35-40%, xe buýt 55-60%, xe con 25% thì DN cũng đã “vật vã” qua các bước thử nghiệm, đi dần từ làm xe tải, tới xe buýt, sau mới tới dòng xe cá nhân. Ban đầu, Thaco cũng chỉ có thể chọn làm những chi tiết lớn, đơn giản trong mỗi chiếc xe, dần từng bước cho tới bây giờ, để có được 32 công ty linh kiện chia theo các nhóm (như linh kiện kim loại, linh kiện nhựa, hoá chất…) đi kèm nhà máy lắp ráp ô tô.
Theo ông Dương, thành quả lớn của Trường Hải là đã xuất khẩu được nhiều loại linh kiện cho các nhà máy ô tô của Thái Lan, Philippines. Năm 2018, doanh thu của lĩnh vực này là 8 triệu USD, năm 2019 sẽ hướng tới 20 triệu USD.
Đại diện ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thực tế, Việt Nam có ngành dệt may “lớn nhưng không mạnh”, giá trị không cao. Và nút thắt nằm ở lĩnh vực phụ trợ là dệt vải, cụ thể hơn là khâu nhuộm. “Không có vải nên ngành dệt may dễ tổn thương vì phụ thuộc hoàn toàn nguồn nguyên liệu nước ngoài. Vừa rồi, chúng ta thí điểm những khu dệt nhuộm như Khu công nghiệp Rạng Đông ở Nam Định, nhưng thế vẫn là quá ít. Hiện, Việt Nam chỉ có 5 tỉnh cho phát triển ngành nhuộm nhưng tư duy vẫn ấu trĩ khi không cho nhuộm gia công, nghĩa là không tạo ra điều kiện cho việc phát triển chuỗi liên kết”, ông Tuấn than thở.
“Bình bình thì không thể thành công”
Lắng nghe ý kiến từ các DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu ý kiến để xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm cơ sở pháp lý quan trọng phát triển lĩnh vực này.
Nhắc đến một số thành tựu của ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua, song Thủ tướng cho rằng, còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chúng ta chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, cho nên công nghiệp hỗ trợ kém phát triển; Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực, trong khi vẫn còn tư duy sản xuất sản phẩm khép kín; sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI còn hạn chế, một số doanh nghiệp FDI chưa chú trọng phát triển các nhà cung cấp nội địa.
Từ thực tế đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành một công xưởng sản xuất, có thể của ASEAN, của châu Á hay thế giới. Tinh thần là làm sao Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.
Để có thành công này, Thủ tướng cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ cần có tinh thần như đội tuyển quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc Park Hang-seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực. “Phải với tinh thần như vậy mới thành công, chứ bình bình mãi làm sao thành công được”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn các nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn, khi phát triển công nghiệp hỗ trợ cần phải nhớ đến việc “muốn đi nhanh phải đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”: “Tinh thần ấy như một đội bóng. Không phải Anh Đức tự nhiên đá volley được vào đâu. Mà Quang Hải chuyền bóng thì Anh Đức mới volley thành công được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận