img
Phấn đấu thế giới có công nghệ gì, ngành giao thông có công nghệ đó - Ảnh 1.

Chiều 28/8, Bộ trưởng GTVT có buổi đối thoại thẳng thắn, cởi mở với thanh niên ngành GTVT nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành. Báo Giao thông lược ghi nội dung buổi đối thoại của Bộ trưởng:

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối thoại với thanh niên ngành GTVT chiều 28/8. Ảnh Tạ Hải

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối thoại với thanh niên ngành GTVT chiều 28/8. Ảnh: Tạ Hải

Người dẫn chương trình: Bộ trưởng có thể chia sẻ một số kỷ niệm sâu sắc nhất của bộ trưởng khi còn trong độ tuổi thanh niên, học tập và rèn luyện, công tác, cống hiến với nhiệt huyết của tuổi trẻ và đến nay trở thành người đứng đầu ngành GTVT?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, tôi là con út, mặc dù sống ở Hà Nội nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nên tôi có thể làm mọi thứ từ cày bừa, cấy lúa... Các anh chị tôi dù học rất tốt nhưng không ai được học đại học, duy nhất tôi được gia đình quan tâm, tạo điều kiện để tiếp tục công việc đèn sách.

Nhận thức được khó khăn ấy, tôi đã tự nỗ lực vươn lên, với tinh thần vượt khó, ngay từ khi là sinh viên đã bắt đầu làm kinh tế, đến cuối năm thứ hai đại học đã có thể tự kiếm tiền trang trải sinh hoạt, thậm chí khi bước vào năm thứ ba, nhờ thu nhập tốt, tôi đã có thể tự trang trải cuộc sống của một sinh viên.

Với 23 năm công tác trong ngành ngân hàng, tôi cũng trở thành lãnh đạo từ rất sớm, bắt đầu với chức phó chánh văn phòng, giám đốc chi nhánh ngân hàng và trở thành tổng giám đốc ngân hàng từ năm 37 tuổi, 3 năm sau thì trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng Vietinbank.

Sau thời gian luân chuyển về các địa phương, Quảng Ninh (giữ chức Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh), Điện Biên (giữ chức Bí thư tỉnh ủy), từ tháng 10/2022 đến nay, tôi trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT.

Chia sẻ về bản thân tôi để các bạn thấy đừng vội lo lắng về khó khăn, chỉ cần học tốt, nhận thức tốt, tích cực tích lũy, trau dồi kinh nghiệm, từ đó giúp hoàn thiện bản thân, đóng góp cho cơ quan, đơn vị, cho đất nước và xã hội.

ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam trao Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam trao Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Trong khuôn khổ buổi đối thoại, ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Tại đây, bộ trưởng cũng trao tặng Quỹ khuyến học cho trường Đại học Công nghệ GTVT và trao quà kỷ niệm chương trình cho Đoàn thanh niên các đơn vị ngành GTVT.
Phấn đấu thế giới có công nghệ gì, ngành giao thông có công nghệ đó - Ảnh 3.

Bạn Nguyễn Minh Hiếu, Bí thư Đoàn thanh niên Cục Đường cao tốc Việt Nam: Là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng có thể chia sẻ một số nội dung cơ bản, cốt lõi liên quan đến định hướng, kế hoạch đầu tư, giải pháp phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò đi trước mở đường của ngành GTVT trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối thoại với thanh niên ngành GTVT chiều 28/8. Ảnh Tạ Hải

Bạn Nguyễn Thị Minh Hiếu, Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Đường cao tốc VN.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:

Theo kinh nghiệm của thế giới, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển và trở nên hùng cường, không có con đường nào khác là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên 5 lĩnh vực: Đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy.

Ở nước ta, vai trò của kết cấu hạ tầng giao thông thể hiện rất rõ, nếu không có hạ tầng giao thông sẽ rất khó khăn.

Chúng ta không có con đường nào khác phải từng bước hoàn thiện. Đầu tiên, phải nhận diện được tiềm năng thế mạnh trong 5 lĩnh vực, từ đó xây dựng chiến lược phát triển gắn với quy hoạch của từng lĩnh vực, chia làm các giai đoạn phù hợp với nguồn lực của từng thời điểm để triển khai, hiện thực hóa quy hoạch, chiến lược đó.

Vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 quy hoạch chiến lược, trong đó lấy quy hoạch cảng biển làm trung tâm, các quy hoạch còn lại đều hướng đến kết nối các cảng biển.

Đất nước ta có hơn 3.200km đường thủy, đây chính là lợi thế rất lớn, hiện nay, ngành GTVT đã đưa ra một số chiến lược.

Đối với đường bộ, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông; đến năm 2030 phấn đấu cả nước có tối thiểu 5.000km và đến năm 2050 có tối thiểu 10.000km. Đây là nhiệm vụ rất lớn của đất nước, của Chính phủ và đặc biệt của Bộ GTVT.

Ngoài ra, cần hiện thực hóa một cách triệt để những thế mạnh trong các lĩnh vực khác, đơn cử như phấn đấu chậm nhất trong năm 2025 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương phát triển đường sắt cao tốc và một số tuyến đường sắt quan trọng khác.

Phấn đấu thế giới có công nghệ gì, ngành giao thông có công nghệ đó - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại buổi đối thoại.


"Theo kinh nghiệm của thế giới, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển và trở nên hùng cường, không có con đường nào khác là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông".
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

Cùng đó, tập trung phát triển các cảng biển trở thành các cảng trung chuyển, kết nối với hệ thống giao thông đường thủy nội địa, phát triển hệ thống tàu ven bờ đi từ Bắc - Nam.

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên phải tận dụng tối đa nguồn ngân sách nhà nước; nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế xã hội hóa thu hút các nguồn vốn xã hội; huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế mới có thể hoàn thành mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng trên 5 lĩnh vực.

Với sự lãnh đạo chỉ đạo hết sức quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cùng sự quyết tâm của Bộ GTVT, trong từng giai đoạn sẽ có những hành động cụ thể để hiện thực hóa chiến lược, thông qua đó hoàn thành vai trò "đi trước mở đường", tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân lưu thông thuận lợi, hiệu quả và an toàn.

Phấn đấu thế giới có công nghệ gì, ngành giao thông có công nghệ đó - Ảnh 8.

Bạn Trần Thị Quỳnh Châu, ủy viên BCH Đoàn Cục Đường thủy VN: Giao thông vận tải là ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù với 5 lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ, hàng hải và đường hàng không, tuy nhiên sự phát triển giữa các ngành vẫn chưa thật sự đồng đều. Bộ trưởng có thể chia sẻ những giải pháp cân bằng và phối kết hợp giữa các phương thức vận tải trong ngành để cùng phát triển?

Bạn Trần Thị Quỳnh Châu, uỷ viên BCH Đoàn Cục Đường thuỷ VN

Bạn Trần Thị Quỳnh Châu, ủy viên BCH Đoàn Cục Đường thủy VN.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Như tôi đã trao đổi, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 5 lĩnh vực và điểm mới trong nhiệm kỳ này đó là xây dựng quy hoạch cho từng lĩnh vực nhưng các quy hoạch phải có sự gắn kết với nhau. Từ đó đưa ra các kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong việc triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, phụ thuộc vào các lộ trình và nguồn lực.

Ưu tiên số một là phát triển đường cao tốc, trong đó, có đường cao tốc Bắc - Nam phía đông trải dài từ Bắc - Nam, ngoài ra sẽ có các tuyến đường cao tốc cắt ngang kết nối với đường cao tốc này.

Hiện nay, Bộ đang cố gắng phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 5.000km và đến năm 2050 có tối thiểu 10.000km đường cao tốc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao quà kỷ niệm chương trình cho Đoàn thanh niên các đơn vị ngành GTVT

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao quà kỷ niệm chương trình cho Đoàn thanh niên các đơn vị ngành GTVT.

Ngoài ra, sắp tới chúng ta cũng cần tập trung phát triển hệ thống đường sắt, đường biển, tàu biển để khai thác tốt nhất hệ thống đường thủy nội địa, hàng hải, giảm tải cho đường bộ.

Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản có điều kiện địa lý tương đối giống ta thấy hai phương thức vận tải chủ yếu của họ đối với hàng hóa là đường biển và đường bộ. Đường sắt chỉ chiếm hơn 5%, còn lại rất ít là đường hàng không, đường khác.

Việt Nam cũng cần hoàn thiện tất cả các tuyến đường cao tốc kết nối với nhau và kết nối với các cảng biển, sân bay, các trung tâm công nghiệp, cửa khẩu, tiếp tục tập trung vào các kết nối ngang để tạo liên kết các vùng với nhau.

Song song với đó, tiếp tục phát triển đường sắt cao tốc, các tuyến đường sắt khác như: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn…

Tùy từng giai đoạn tương ứng với nguồn lực có được để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông sao cho đồng bộ, bên cạnh thực hiện quy hoạch từng lĩnh vực cần hướng đến việc phát triển hạ tầng sao cho các phương thức vận tải hỗ trợ được lẫn nhau. Đặc biệt, lưu ý đầu tư, kết nối các vùng miền trên đất nước để tạo sự đồng đều về hạ tầng giao thông.

Từ đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đó là: Phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược.

Phấn đấu thế giới có công nghệ gì, ngành giao thông có công nghệ đó - Ảnh 11.

Bạn Phan Văn Chương, Bí thư Đoàn Viện Khoa học công nghệ GTVT: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu. Thời gian qua được các bộ, ngành cơ quan trung ương đang đẩy mạnh triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành GTVT, cũng như vai trò của đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ ngành GTVT đối với nhiệm vụ này của Bộ GTVT trong thời gian tới?

Bạn Phan Văn Chương, Bí thư Đoàn Viện Khoa học công nghệ GTVT

Bạn Phan Văn Chương, Bí thư Đoàn Viện Khoa học công nghệ GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:
Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu khách quan của thế giới cũng như Việt Nam. Có thể thấy, đất nước nào có khoa học công nghệ (KHCN) phát triển, chuyển đổi số tốt thì năng suất lao động rất cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, Đảng, nhà nước đã chỉ đạo rất quyết liệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo công tác chuyển đổi số.

Đối với Bộ GTVT, tôi cho rằng cần phải làm tốt hơn, quan tâm nhiều hơn công tác chuyển đổi số, bởi ngành GTVT là ngành tiếp cận, sử dụng rất nhiều vấn đề liên quan đến khoa học kỹ thuật, AI.

Đơn cử như lĩnh vực đường bộ, hiện nay, xây dựng đường cao tốc phải gắn với hệ thống giao thông thông minh để quản lý, vận hành, xử lý các sự cố phát sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao tặng Quỹ học bổng khuyến học cho trường Đại học Công nghệ GTVT

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao tặng Quỹ học bổng khuyến học cho trường Đại học Công nghệ GTVT

Thông qua các trung tâm điều hành trên những tuyến cao tốc có thể theo dõi toàn tuyến, bất cứ nơi nào ùn tắc, tai nạn hay có sự cố đều có thể dễ dàng phát hiện, từ đó gửi thông báo tới các lực lượng chức năng để tiếp cận xử lý trong thời gian không quá 30 phút.

Trong lĩnh vực hàng không hay tại các bến tàu, ở các nước trên thế giới, việc mua vé, check-in gần như là tự động, khách hàng chỉ cần cầm căn cước công dân, đặt vào vị trí kiểm soát lối ra vào, ngay lập tức camera sẽ quét và nhận diện được họ là ai.

Bộ GTVT cần chuyển đổi số quyết liệt nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời, đảm bảo nguyên tắc sử dụng kho dữ liệu chung về dân cư.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, từ đường bộ, hàng không, để thực hiện, vai trò của thanh niên rất quan trọng, các đoàn viên, thanh niên giữ vị trí nòng cốt từ việc xây dựng, phát triển phần mềm CNTT đến việc tuyên truyền phổ biến, hỗ trợ cho các cơ quan đơn vị triển khai.

Với chính sách phát triển nguồn nhân lực của bộ, tôi mong muốn đội ngũ cán bộ ngành GTVT, các cơ quan đơn vị thời gian tới phải được trẻ hóa càng nhiều càng tốt, để thực hiện thành công, thực hiện sớm phát triển CNTT và chuyển đổi số.

Ngành GTVT phải trở thành ngành mà thế giới có những gì về CNTT thì ngành GTVT phải có thứ đó. Ứng dụng tối đa thành tựu về KHCN, CNTT, chuyển đổi số tại Bộ GTVT vừa giúp cho công việc của ngành, vừa đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn hiện nay và tới đây.

Phấn đấu thế giới có công nghệ gì, ngành giao thông có công nghệ đó - Ảnh 14.

Bạn Hoàng Vũ, Bí thư Đoàn Trường ĐHCN GTVT: Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm của Bộ về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng?

Bạn Hoàng Vũ, Bí thư Đoàn Trường ĐHCN GTVT

Bạn Hoàng Vũ, Bí thư Đoàn Trường ĐHCN GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng:

Ngành GTVT đang thực hiện khâu đột phá kết cấu hạ tầng đi trước mở đường, dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Khâu đột phá này gắn liền với đột phá nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực cao trong ngành GTVT.

Bộ GTVT là cơ quan rất cần sức trẻ nên rất mong muốn trong thời gian tới qua hệ thống các trường đại học, cao đẳng, bộ chọn được nhiều sinh viên có năng lực, đạo đức vào công tác tại bộ.

Tuổi đời có thể trẻ nhưng tuổi nghề chưa chắc đã ngắn nếu như chúng ta biết tích luỹ kinh nghiệm, học tập từ các thế hệ đi trước, từ đó có hành trang đầy đủ, cần thiết để cống hiến, đóng góp cho cơ quan đơn vị công tác, thông qua đó để khẳng định bản thân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Bộ đang thực hiện nhiều nhiệm vụ rất nặng nề trong phát triển đất nước, để hoàn thành được, điều quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Đặc thù các dự án của ngành giao thông cần nhiều người có sức khỏe tốt như Thủ tướng hay nói "đội nắng, thắng mưa" để hoàn thành công việc.

Hiện, bộ đang quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Đối với các bạn trẻ đang công tác, bộ quan tâm dành nhiều ngân sách để mở các chương trình, khóa đào tạo. Đối với sinh viên, thời gian tới sẽ tổ chức thi tuyển công khai minh bạch tạo mọi cơ hội để sinh viên giỏi, xuất sắc có nguyện vọng cống hiến với ngành giao thông vào làm việc.

Tôi thấy nhiều bạn trẻ học trường giao thông nhưng chưa chắc đã làm trong ngành. Có bạn nhận việc được một ngày hôm sau nghỉ việc, gọi điện hỏi thì bảo lương thấp quá em xin phép không làm.

Ngoài thu nhập, phải tạo môi trường làm việc hoàn toàn bình đẳng, cởi mở để các em đến cơ quan cảm thấy vui vẻ, muốn cống hiến, không có chuyện ma cũ bắt nạt ma mới.

Các em học trong nước, ngoài nước rất tốt nhưng vào làm việc đầu tiên là đến sớm vệ sinh, pha trà cho các anh chị, cuối ngày lại rửa chén thì hỏng. Phải làm thế nào dù lương có thể thấp một tí nhưng được ghi nhận, đối xử bình đẳng, làm tốt thì được khen. Ai làm ở đâu cũng mong có cơ hội làm việc.

Cần phải xây dựng quy trình, hệ thống đánh giá, nhận diện những bạn có năng lực, phẩm chất tốt, nỗ lực cống hiến phải được ghi nhận, đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm.

Bộ trưởng tham quan triển lãm ảnh và các sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh niên ngành GTVT

Bộ trưởng tham quan triển lãm ảnh và các sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh niên ngành GTVT.

Kết chương trình, Bộ trưởng nhấn mạnh hiện nay, chúng ta đều có điều kiện để học tập, phấn đấu, mong rằng tất cả học sinh, sinh viên, đoàn thành niên, hãy nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn để rèn luyện, học tập, đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước.

Tôi mong các bạn đoàn viên muốn gắn bó với Bộ GTVT sau này và đang công tác tại Bộ GTVT, hãy coi môi trường tại cơ quan, đơn vị như môi trường ở nhà để cố gắng nỗ lực học tập, làm việc, tích lũy kinh nghiệm trong công việc thực tế.

Không có cách nào trưởng thành hơn bằng việc tích lũy từ kinh nghiệm thực tế, để hoàn thiện sớm bản thân đóng góp tốt cho đất nước, cho ngành và cho chính bản thân mỗi người.

Tuổi đời có thể trẻ nhưng tuổi nghề chưa chắc đã ngắn nếu như chúng ta biết tích lũy kinh nghiệm, học tập từ các thế hệ đi trước, từ đó có hành trang đầy đủ, cần thiết để cống hiến, đóng góp cho cơ quan đơn vị công tác, thông qua đó để khẳng định bản thân.

Đồng thời, là cơ sở, điều kiện để Bộ GTVT ghi nhận, đào tạo, bồi dưỡng để trưởng thành hơn, đóng góp sức mình để cùng thế hệ cha anh, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT hiện nay hoàn thành trách nhiệm cao cả là lực lượng "Đi trước mở đường", tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thông thoáng thuận tiện nhưng an toàn.

Nội dung: Yến Chi - Ảnh: Tạ Hải
Thiết kế: Nguyễn Tường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.