Mới đây, Báo Giao thông đã nhận được công văn phản hồi của Công ty Điện lực TP Cần Thơ liên quan đến bài viết: “Cần Thơ: Dân phải chi trăm triệu nếu muốn dời cột điện trước nhà?”.
Di dời đường dây điện tại khu đất gần cầu Cây Cẩm sau khi Báo Giao thông có bài viết phản ánh.
Nội dung văn bản ghi rõ: "Trước tiên, Công ty Điện lực Cần Thơ chân thành cảm ơn quý Báo đã đưa tin phản ánh của người dân có liên quan đến hoạt động cung cấp điện của Công ty trên địa bàn.
Công ty Điện lực Cần Thơ với tinh thần cầu thị đã nhanh chóng cử nhân viên đến xác minh làm việc với khách hàng, Điện lực Phong Điền và các cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung thông tin sự việc như quý báo đã phản ảnh và sẽ có thông tin phản hồi cho quý báo, bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Công ty Điện lực TP Cần Thơ, một lần nữa cảm ơn và rất mong quý vị hỗ trợ đưa thông tin đến người dân, giúp bạn đọc nhận biết nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, giúp cho Công ty Điện lực Cần Thơ ngày càng cải tiến công tác dịch vụ khách hàng được tốt hơn".
Trước đó, như Báo Giao thông đã thông tin, một số người dân ở Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, muốn di dời cột điện trước nhà, họ phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Bài viết của Báo Giao thông nhằm phản ánh dấu hiệu tiêu cực của một số nhân viên, bảo vệ uy tín ngành điện và chống thất thu cho Công ty Điện lực Phong Điền.
Điển hình là trường hợp của ông V.V.M., nằm mặt tiền ĐT926 (ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) bị dính trụ điện trong sân nhà. Khi thương lượng để dời trụ trung thế này để khỏi vướng đường vào nhà, ông phải bỏ ra trọn gói 55 triệu đồng.
Công nhân lắp trụ điện mới để chuẩn bị tháo dỡ trụ điện cũ tại nhà ông M. trên ĐT926.
Sau đó, phía nhân viên điện lực mà ông liên hệ cho người xuống lắp sẵn một trụ điện mới, hẹn khi nào có lịch cắt điện sẽ xuống dời đường dây, tháo bỏ trụ điện cũ. Trong vụ này, ông M. đã trả cho một người tên H. số tiền 55 triệu đồng, và hoàn toàn không có giấy tờ hợp đồng hoặc biên nhận.
Ngoài ra, còn có nhiều hộ dân khác bị dính trụ điện trên nhà, đất muốn di dời cũng phải chung chi từ vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, hầu hết các trường hợp di dời đều không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Xong việc thì người dân trả tiền.
Trong khi, theo quy định hiện hành, tại một số khu vực, các trụ điện đã có, cũng như được cấp phép xây dựng từ trước khi hình thành các khu dân cư, nhà dân nên sau này, người dân muốn di dời trụ điện thì phải tự bỏ ra chi phí.
Tuy nhiên, việc này bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu người dân muốn di dời trụ điện thì sẽ liên hệ với điện lực. Sau đó, điện lực sẽ cho người xuống khảo sát, lập bảng chi phí dự toán, bảng vẽ thi công, trình lãnh đạo phê duyệt…
Việc di dời bắt buộc phải có hợp đồng giữa điện lực và người dân. Ngoài ra, khi nhận tiền cũng bắt buộc phải có phiếu thu, chi.
Ngay cả khi người dân liên hệ với công ty tư nhân bên ngoài để di dời, thì điện lực cũng phải có liên quan, vì sẽ cắt điện trong vùng bị ảnh hưởng của quá trình di dời.
Đặc biệt, sau khi Báo Giao thông đăng bài phản ánh, 1 ngày sau, đã có nhân viên điện lực xuống nhà ông M. và 1 hộ dân khác gần cầu Cây Cẩm, thuộc TL926 để di dời đường dây điện.
Trước đó, sau khi thương lượng, những hộ này được nhân viên điện lực cho người xuống lắp sẵn một trụ điện mới, và hẹn khi nào có lịch cắt điện sẽ xuống dời đường dây, tháo bỏ trụ điện cũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận