Một doanh nghiệp sử dụng căn hộ - văn phòng tại cao ốc Khatoco, quận 3, TP.HCM - Ảnh: KTC |
Tại Hội thảo chuyên đề “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office - tel) nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” tổ chức ngày 17/3 tại TP.HCM, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, xuất hiện hai năm nay, sản phẩm căn hộ - văn phòng đáp ứng nhu cầu và phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp, các công ty nước ngoài muốn mở văn phòng đại diện, các chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam.
Cũng theo ông Nam, tại TP.HCM đã có khoảng 40-50 dự án phát triển theo mô hình căn hộ - văn phòng của một số doanh nghiệp như: Vingroup, Bitexco, Novaland, Hưng Thịnh, Sacomreal… Năm 2017, dự báo tổng nguồn cung sản phẩm căn hộ, văn phòng tại TP.HCM khoảng 8.000 căn và ở Hà Nội hơn 1.000 căn.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, các sản phẩm căn hộ - văn phòng có tính thanh khoản tốt trên thị trường. “Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải hoàn chỉnh thể chế để phân khúc này để phát triển bình đẳng như các phân khúc khác”, ông Điệp nói và phân tích, hiện nay trong Luật Kinh doanh bất động sản chưa có những quy định cụ thể về dạng căn hộ này nên khách hàng khi mua chỉ được cấp sở hữu nhà 50 năm. Chính những điều này sẽ gây nên rủi ro cho người mua nhà sau này.
Ông Lê Đình Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Căn Nhà Mơ Ước đưa ra một thực tế, đó là dự án D-Vela tại quận 7 có 168 căn hộ, 9 căn shop-house và 82 căn office-tel với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số khách hàng băn khoăn về sỡ hữu lâu dài, giống như có tấm “bìa hồng” hay “sổ đỏ”. “Chúng tôi giải thích rõ với khách hàng là luật chỉ cho phép sở hữu 50 năm, còn luật có thay đổi hay không, chủ đầu tư không thể hứa”, ông Trung nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc để loại hình căn hộ, cho thuê được “danh chính ngôn thuận” là cần thiết, tránh được nhiều vướng mắc phát sinh. Lấy ví dụ, trong một tòa nhà 20 tầng, 15 tầng trên thì cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài vì là căn hộ, còn 5 tầng phía dưới thì cấp giấy chứng nhận sở hữu là 50 năm. Vậy, khi hết thời hạn 50 năm, việc xử lý khối đế và 5 tầng dưới (office) của tòa nhà này như thế nào, không lẽ lại đập bỏ? Bên cạnh đó, loại hình căn hộ, cho thuê đây vẫn là một sản phẩm của xã hội, là giải pháp tốt cho thị trường bất động sản, vì thế xã hội nên ủng hộ.
Luật sư Trần Ngọc Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đề nghị phải cho sử dụng office - tel một cách hợp pháp bằng những quy định pháp luật cụ thể, nhằm khai thác nguồn lực của xã hội. Xã hội phải thừa nhận những tiện ích của loại hình căn hộ này. “Đặc biệt, cũng cần phải xem lại Luật Nhà ở vì sao phải cấm kinh doanh trong căn hộ?”, luật sư Phượng nói.
Ông Nguyễn Trần Nam cho hay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, sự ra đời và phát triển của loại hình căn hộ - văn phòng là theo quy luật thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tế. “Tới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có những văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét lại vấn đề này, nhằm có hướng tháo gỡ kịp thời. Tạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh và một hành lang pháp lý thuận lợi để quản lý và thúc đẩy loại hình office - tel”, ông Nam nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận