Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ kết nối với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng - Hữu Nghị - Tân Thanh (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng) |
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) dài 115km theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đầu tư trước đoạn từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng dài khoảng 80km, tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Làm trước 80km, Nhà nước hỗ trợ 4.000 tỷ đồng
Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng bao đời của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng.
“Một địa phương có bề dày lịch sử truyền thống, với nhiều lợi thế phát triển thông thương, giao lưu đối ngoại nhưng lại không thu hút được đầu tư vì hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế”, ông Ánh nói và kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng.
Đề cập đến các thông số cụ thể của dự án, ông Ánh cho biết, trước đây, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được nghiên cứu dài 144km, tổng mức đầu tư khoảng 47 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả kết nối các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng thời tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (kéo dài đến hai cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) và áp dụng các công trình hầm xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình, phương án đầu tư mới được tỉnh Cao Bằng đề xuất rút ngắn chiều dài dự án còn 115km, tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng.
Theo đó, điểm đầu dự án tại nút giao đường nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), điểm cuối tại ngã ba đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và TL205 (tỉnh Cao Bằng). Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, trên tuyến sẽ xây dựng 6 hầm xuyên núi (dài 2.550m), 18 cầu… Dự án được tỉnh Cao Bằng đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7.546 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư, vốn vay tín dụng 13.894 tỷ đồng.
Ông Ánh cũng cho biết, trước bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc vốn ngân sách tham gia hỗ trợ dự án với tỷ lệ 36% (tương đương các dự án cao tốc Bắc - Nam) khoảng 7.500 tỷ đồng là rất khó khăn, tỉnh Cao Bằng đề xuất phân kỳ đầu tư dự án theo hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2019 - 2022) đầu tư đoạn từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng dài khoảng 80km, phần nền đường đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe đối với những vị trí đào sâu, đắp cao, phần móng và mặt đường làm 2 làn xe, phần cầu đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe… với tổng vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn gồm: 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 6.000 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư, vốn vay tín dụng. Giai đoạn 2 (sau năm 2022) đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới từ Lạng Sơn - TP Cao Bằng và làm tiếp đoạn tuyến từ TP Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực
Tham gia ý kiến về đề xuất của tỉnh Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tổng mức đầu tư cao, lượng xe qua lại không nhiều như dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, nên phải có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và tạo cơ chế đặc thù mới có thể triển khai dự án này. Thứ trưởng Công cũng đề nghị các ngân hàng tham gia tích cực hơn vào các dự án BOT.
“Về phía Bộ GTVT, chúng tôi cố gắng nỗ lực giải quyết tất cả những vướng mắc, tạo cơ chế thông thoáng để cho các nhà đầu tư tham gia các dự án BOT giao thông”, Thứ trưởng Công nói.
Địa phương cam kết đảm bảo chính sách hỗ trợ dự án Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, các chính sách hỗ trợ cho dự án của địa phương cam kết sẽ được đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng quy định. “Nhà đầu tư không phải lo sợ rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách. Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng bao đời nay của nhân dân tỉnh Cao Bằng, để hiện thực hóa dự án này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang vào cuộc quyết liệt để công trình triển khai sớm nhất”, ông Môn nói. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, việc giảm 29km chiều dài tuyến, giảm tổng mức đầu tư 26 nghìn tỷ đồng so với phương án trước đây cho thấy, Cao Bằng rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường. “Ngay cả phương án phân kỳ đầu tư, tôi cho rằng, đó là phương án cụ thể, rất rõ ràng và khả thi”, Bộ trưởng Dũng đánh giá.
Cho ý kiến về dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP. “Dự án này là bước đột phá giúp Cao Bằng phát triển, là bước đi chiến lược nên phải quyết tâm làm bằng được”, Thủ tướng nói.
Đề cập đến cơ cấu nguồn vốn, Thủ tướng nhất trí về chủ trương bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án. Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (2.000 tỷ đồng), Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì đề xuất, báo cáo Thủ tướng tại hội nghị chuyên đề tháng 12/2018. Nguồn vốn tham gia của ngân sách địa phương thực hiện từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất để hỗ trợ dự án.
“Ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, địa phương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và nhà đầu tư bỏ ra 2.000 tỷ đồng, còn lại 4.000 tỷ đồng sẽ huy động vốn tín dụng từ các tổ chức ngân hàng”, Thủ tướng nói và yêu cầu đối với việc lựa chọn nhà đầu tư dự án, các cơ quan có liên quan cần xem xét lựa chọn hình thức phù hợp trên tinh thần ủng hộ các nhà đầu tư có năng lực, quyết tâm cao làm dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận