Sau cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 21/5, văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: “Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn ủng hộ chính sách mở của NATO.
Vấn đề liên quan đến đơn xin gia nhập của Thụy Điển, Phần Lan phụ thuộc vào thái độ của hai quốc gia này với các lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông tin thêm: “Tổng thống Erdogan cho biết nếu Thụy Điển và Phần Lan không thể hiện rõ ràng sự thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề cơ bản, đặc biệt trong cuộc chiến với khủng bố, Ankara sẽ không có quan điểm tích cực về việc xét tư cách thành viên NATO của hai quốc gia này”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh - Reuters
Trong cuộc điện đàm, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng khẳng định cần phải giải quyết những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng trong ngày 21/5, ông Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Thụy Điển, Phần Lan và bày tỏ quan ngại của ông về sự hiện diện của các tổ chức khủng bố tại hai quốc gia Bắc Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các tổ chức khủng bố như Đảng Công nhân người Kurd và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị Ankara cáo buộc âm mưu thực hiện cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan năm 2016.
Ông Erdogan trao đổi với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson rằng Ankara muốn Stockholm thực hiện những bước đi vững chắc liên quan tới những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan cũng yêu cầu Thụy Điển dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt sau khi nước này can thiệp quân sự vào Syria năm 2019.
Về phía Thuỵ Điển, Thủ tướng Andersson cho biết Thụy Điển hy vọng đẩy mạnh quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn trong cuộc điện đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, ông Erdogan cho biết việc Helsinki không giải quyết vấn đề các tổ chức khủng bố vốn đe dọa an ninh của một thành viên NATO là không phù hợp với tinh thần của liên minh.
Về phần mình, Tổng thống Phần Lan Niinisto cho biết đã có cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn với ông Erdogan và đồng ý tiếp tục duy trì đối thoại với Ankara.
Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quan điểm chỉ ủng hộ Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO nếu hai quốc gia này chia sẻ các mối quan ngại về an ninh với Ankara.
Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt thời gian dài duy trì chính sách trung lập.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc kết nạp hai quốc gia Bắc Âu vào liên minh, nhưng các lãnh đạo phương Tây tin tưởng rằng việc Ankara phản đối sẽ không quá cản trở quá trình xét tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận