Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều phán quyết của tòa án đã gây tranh cãi gay gắt trong dư luận, đặt dấu hỏi về chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trao đổi với Báo Giao thông, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, dù hoạt động tư pháp đã có nhiều cải cách trong thời gian qua nhưng ở đâu đó vẫn còn những tồn tại.
Phán quyết phải có lý, có tình
Vừa qua, nhiều vụ án sau khi tòa tuyên đã gây bức xúc trong dư luận như vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc, vụ án Hồ Duy Hải, mới đây nhất là vụ người đàn ông tự tử tại tòa Bình Phước sau khi nhận án tù 3 năm… Nhiều ý kiến bày tỏ thất vọng khi tiếp cận các thông tin về vụ án, về cách điều tra kết tội, phán xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bà nghĩ sao về việc này?
Nhìn nhận về mặt xã hội thì tòa án xử mà để cho bị cáo bức xúc như thế, dư luận phản ứng như vậy thì quả là đáng tiếc. Tòa án là nơi để hiện công lý nên mọi quyết định của tòa phải khiến đương sự tâm phục khẩu phục. Nếu xảy ra việc bị cáo nhảy lầu tự tử để phản đối, dù nguyên nhân gì thì tôi cũng cho rằng không nên.
Sự việc này chắc chắn Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao phải xem xét lại một cách công tâm khách quan. Bị cáo thì đã chết rồi, nhưng không có nghĩa là vụ việc đã kết thúc, giờ đây phải trả lời cho dư luận những thắc mắc về vụ án. Nếu TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao không làm thì Ủy ban Tư pháp và Quốc hội nên vào cuộc. Nếu không làm sáng tỏ thì người dân rất dễ bán tín bán nghi rồi thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp, điều đó là rất nguy hiểm.
Thưa bà, việc các cơ quan tiến hành tố tụng không giải thích thỏa đáng, kịp thời khi vụ án trở thành tâm điểm của dư luận sẽ mang lại những hệ lụy gì? Điều đó có làm người dân mất niềm tin vào hệ thống tư pháp như bà vừa đề cập?
Những thiếu sót trong những vụ án được dư luận quan tâm như vụ Hồ Duy Hải, vụ bị cáo nhảy lầu ở Bình Phước thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc hết sức công tâm, khách quan. Đây cũng là cách làm hữu hiệu để lấy lại lòng tin đối với nhân dân, tránh những thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá.
Pháp luật giao cho thẩm phán quyền rất lớn, trước khi phán quyết thẩm phán phải xem xét những tình tiết khách quan đồng thời phán quyết ấy phải có tình, có lý chứ không thể như một cái máy. Hơn ai hết, thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước những phán quyết của mình.
Thẩm phán cần có thêm kiến thức chuyên sâu
Từ năm 2011, Bộ Chính trị đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Cải cách tư pháp trong đó có cải cách về tổ chức bộ máy, về con người, về hệ thống pháp luật, vai trò của thành phần tham gia tố tụng, trong đó có vai trò của luật sư.
Hệ thống tư pháp có nhiều thay đổi, trước kia làm việc theo cách “chịu sự lãnh đạo” nhưng bây giờ tính độc lập cao hơn. Vai trò của luật sư nâng lên, luật sư được tranh luận tại tòa, từ đó nâng cao quyền lợi của những người tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, từ quy định của pháp luật, chủ trương cải cách tư pháp đến thực tiễn thì có một khoảng cách. Điều này cần phải tiếp tục cải cách hơn nữa, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ văn minh.
Bà Lê Thị Thu Ba
Tại không ít phiên tòa, khi có báo chí dự và đưa tin rộng rãi thì người ta mới ngỡ ngàng khi tiếp cận cách điều hành, lập luận của thẩm phán… Có những câu hỏi mang tính áp đặt, coi thường vai trò phụ nữ (vụ Trung Nguyên), có những câu hỏi cho thấy HĐXX không nắm rõ quy định chuyên ngành (vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc). Có ý kiến cho rằng chất lượng thẩm phán đang là điểm yếu của ngành tư pháp, bà nghĩ sao?
Thực tế hiện nay, thẩm phán được bổ nhiệm trên cơ sở được đào tạo về chuyên ngành luật thôi, còn các kỹ năng chuyên biệt ở lĩnh vực nào đó thì không được đào tạo chuyên sâu.
Theo tôi thì không chỉ thẩm phán mà kể cả kiểm sát viên phải có những chuyên môn về các loại vụ án khác nhau, phải được đào tạo. Hiện nay, mới chỉ đáp ứng về mặt pháp luật còn việc chuyên sâu về chuyên ngành thì gần như chưa có. Ví dụ như các vụ án về giao thông, vụ án có tính chất chuyên ngành thì đòi hỏi người tham gia tố tụng phải nắm được các thuật ngữ, hiểu được chuyên môn của lĩnh vực đó thì mới có thể tỏ tường và bao quát được vụ án.
Đã từ lâu tôi đã mong muốn có những lớp đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu cho các cán bộ tiến hành tố tụng, ví dụ như vụ án về sở hữu trí tuệ thì người tham gia tố tụng phải hiểu biết về sở hữu trí tuệ, không thể chỉ biết pháp luật chung chung được.
Và cũng có nhiều vụ án, chỉ khi báo chí đưa tin, người dân mới biết được đã có những sai sót trong điều tra, truy tố, như vụ án Hồ Duy Hải là một ví dụ. Bà đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động tư pháp trong thời gian qua?
Trong vụ án Hồ Duy Hải, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao khẳng định “thiếu sót của cơ quan điều tra không làm ảnh hưởng bản chất vụ án” là điều đáng bàn. Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, 2 người bị giết hại dã man nhưng cơ quan điều tra lại bỏ lọt nhiều vật chứng quan trọng như con dao, cái thớt được cho là hung thủ dùng để gây án… thì quả thật là thiếu sót rất lớn. Nếu nói “thiếu sót của cơ quan điều tra không làm ảnh hưởng bản chất vụ án” thì cần phải cân nhắc thật kỹ, nói như vậy là không ổn.
Vụ án đang được quan tâm và khiến dư luận xôn xao, khi phán quyết như vậy, ở đây lại là TAND Tối cao thì tôi cũng thấy không nên và cần phải xem xét lại. Nếu tòa cấp huyện, cấp tỉnh thì nói là do trình độ năng lực, nhưng đến Hội đồng thẩm phán Tối cao mà có những ý kiến như vậy thì quả thực phải xem xét lại.
Chi tiết Viện KSND Tối cao kháng nghị có đúng pháp luật hay không thì cũng là câu chuyện đáng bàn. Nếu nói rằng kháng nghị không đúng quy định pháp luật thì tòa án cũng có cái hớ hênh.
Tránh oan sai cách nào?
Có ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp thì trước hết phải cải cách cách làm việc của cơ quan điều tra để tránh oan sai ngay từ ban đầu, quan điểm của bà ra sao?
Cả hệ thống, từ điều tra đến xét xử và những cơ quan bổ trợ như giám định lâu nay đã có nhiều cố gắng đáp ứng được yêu cầu, nhưng về mặt năng lực thì phần nào vẫn chưa đáp ứng được. Cho nên cần cải cách để nâng cao năng lực cơ quan tố tụng là rất cần thiết.
Khi điều kiện kinh tế phát triển thì chiêu thức gây án của tội phạm tinh vi hơn nên đòi hỏi cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan cảnh sát điều tra phải có kiến thức để theo kịp những “mánh khóe” của tội phạm.
Thưa bà, để giảm oan sai, việc truy cứu trách nhiệm của các cơ quan và từng cán bộ tham gia tiến hành tố tụng có cần thay đổi gì không và nên thay đổi thế nào?
Khi xảy ra oan sai nếu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự các cơ quan tố tụng thì phải căn cứ theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Hiện nay, nếu xảy ra oan sai thì có cơ chế Nhà nước đứng ra bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người bị oan sai. Sau đó, ai phải chịu trách nhiệm về sự oan sai đó thì phải xem xét trên cơ sở lỗi. Hiện nay ,chúng ta đã có quy định và đang thực hiện, chỉ có điều là việc thực hiện đã được công tâm và khách quan hay chưa mà thôi.
Việc để truy tố khi để xảy ra oan sai hiện nay chỉ truy tố hành vi cố ý làm oan sai, còn thiếu năng lực để xảy ra oan sai thì chưa có quy định truy tố.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận