Trong nước

Phản ứng ghế Chủ tịch VFF duy nhất 1 ứng viên

08/08/2018, 09:06

Với việc một mình một ngựa về đích, ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới chắc chắn thuộc về Thứ trưởng Lê Khánh Hải.

18

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Khánh Hải là ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch VFF khóa VIII - Ảnh: Bộ VH, TT&DL

Với một ứng viên duy nhất là Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Khánh Hải, ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022) đã an bài. Nhưng vì sao lại chỉ có một ứng viên và việc này ảnh hưởng ra sao tới bóng đá Việt Nam?

Một mình một ngựa

Dự kiến, Đại hội VIII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, vị trí nhân sự quan trọng nhất là Chủ tịch VFF khóa VIII đã được xác định. Sau khi Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Khánh Hải được giới thiệu ứng cử, hai ứng viên còn lại là ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình và ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đều chủ động xin rút khỏi danh sách ứng viên.

Tuy nhiên, lần này, không ai lên tiếng phản biện như cách Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nhắm vào Ủy viên Thường trực VFF Trần Anh Tú, khi ông Tú là ứng viên duy nhất cho vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Nếu không có bất ngờ vào phút chót, với việc một mình một ngựa về đích, ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới chắc chắn thuộc về Thứ trưởng Lê Khánh Hải.

Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho hay: “Việc một mình Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử Chủ tịch VFF theo tôi là hoàn toàn bình thường. Thứ nhất, các ứng viên khác xin rút cho thấy họ đặt niềm tin vào anh Hải. Thời điểm này, một lãnh đạo bộ quản lý bóng đá Việt Nam thì có nhiều cái lợi, dễ tập trung nguồn lực”. Trong khi đó, chuyên gia Trịnh Minh Huế cũng thừa nhận, một ứng viên duy nhất tranh ghế chủ tịch là hết sức bình thường bởi quy chế bóng đá Việt Nam đã quy định rõ và ảnh hưởng từ thể chế chính trị.

Thực tế, tình trạng ghế Chủ tịch VFF ở các kỳ đại hội chuyện một người không phải hiếm. Tại Đại hội VII, chính Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã chủ động rút lui, tạo điều kiện cho Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng dễ dàng thắng cử. Trước nữa, tại nhiệm kỳ VI, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cũng không có đối thủ trên đường đua khi tranh cử với tư cách Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL. Xa hơn, các thời chủ tịch VFF ra ứng cử do điều động như: Trịnh Ngọc Chữ, Mai Văn Muôn, Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực... cũng ở trạng thái tương tự.

Ông Lê Khánh Hải, ông Nguyễn Trọng Hỷ hay những người tiền nhiệm vừa nêu đều có địa vị chính trị cao nên đương nhiên ứng viên thuộc hàng cấp dưới khó cạnh tranh. Điều này đã được ông Cấn Văn Nghĩa thừa nhận. Ông Nguyễn Công Khế lấy lý do bận công việc nhưng khả năng cao cũng là “thấy khó mà rút”.

Khó có đột phá

Như đã nói ở trên, vị trí Chủ tịch VFF chỉ có một ứng viên phù hợp với quy chế bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, việc cử tới tầm thứ trưởng ra ứng cử giống như triệt tiêu cạnh tranh, yếu tố cần thiết để phát triển. Ở góc nhìn khác, theo ông Vũ Mạnh Hải, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành VFF, việc Bộ VH, TT&DL giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham gia bộ máy lãnh đạo VFF là phương án chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại.

“Từ diễn biến nhân sự trước thềm Đại hội VIII, chúng ta thấy được rằng, thực sự chưa có một ứng viên nào hội đủ các yếu tố cần thiết để chèo lái bóng đá Việt Nam. Mỗi người đều có những hạn chế riêng, nếu cứ gượng ép bầu thì chắc chắn không có kết quả tốt. Vì vậy, ngành Thể thao mới đưa một quan chức cấp cao ra tranh cử. Phương án này tôi cho rằng, những nhà quản lý hướng tới sự an toàn, nó giống như sự sắp xếp ngầm vì không ai cạnh tranh được, cứu vãn cục diện lộn xộn xung quanh công tác nhân sự khóa VFF khóa VIII”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích.

Giai đoạn trước đây không bàn tới, nhưng hiện tại, bóng đá đang xã hội hóa mạnh mẽ nhưng chức danh đứng đầu VFF lại “nhà nước hóa”, được “cơ cấu” thì quả là điều đáng băn khoăn. Bóng đá phải trả cho xã hội, để những người có tâm, có tầm, có tài gánh vác. Bởi vậy, theo ông Vũ Mạnh Hải, việc nhiệm kỳ VIII lại xuất hiện một chính khách có thể coi như bước lùi của bóng đá Việt Nam. “Như vậy, suốt 18 năm qua, chúng ta vẫn loay hoay xã hội hóa. Nhiệm kỳ tới, rất khó để kỳ vọng vào sự đột phá. Chúng ta buộc phải đợi có những ứng viên thực sự tài năng, tâm huyết, khả năng quản lý, điều hành tốt sẵn sàng đứng ra gánh vác. Nhưng đó là chuyện của tương lai xa, ít nhất là tới nhiệm kỳ IX”, ông Hải chốt lại vấn đề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.